Kiến trúc xưa và nay bên Đại lộ Đông Tây. Ảnh: Đức Trí. |
Sau khi báo SGGP đăng bài “Quy định nào về kiến trúc cho các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây”, báo đã nhận được nhiều tin, bài góp ý của bạn đọc xung quanh vấn đề này. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi về việc quản lý kiến trúc ở thành phố.
Triển khai ngay quy định về kiến trúc cho 322 ha đất dọc đại lộ Đông-Tây
* Thưa Tiến sĩ, ông có ý kiến gì về chủ trương xây dựng quy định về kiến trúc cho các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây?
Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng! Tôi được biết thành phố đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng quy định về kiến trúc cho các ô phố dọc vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, xa lộ Hà Nội… Theo tôi, tất cả đều tốt, vì một TPHCM xinh đẹp và giàu bản sắc hơn.
* Trước đây, khi cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM cũng đã có chủ trương xây dựng quy định về kiến trúc cho các ô phố dọc con đường này vì đây là một trục đường quan trọng nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, chủ trương trên đã không được thực hiện?
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa |
Vì nhiều lý do khách quan nên chủ trương ấy chưa thực hiện được như mong muốn. Tuy nhiên, để không lặp lại điều ấy, theo tôi TPHCM phải nhanh chóng thuê tư vấn xây dựng quy định quản lý kiến trúc cho các ô phố dọc các trục đường mà thành phố muốn có quy định về quản lý kiến trúc, đặc biệt là các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây vì đây là một trục đường rất đẹp, xuyên qua 8 quận, huyện của thành phố.
Đây là những vùng đất đã phát triển từ rất lâu của thành phố, lưu giữ rất nhiều kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Trục đường này lại nối với đô thị mới Thủ Thiêm. Do vậy, có thể hình thành trong khu vực này một không gian kiến trúc giao hòa giữa hiện đại và cổ xưa, đặc trưng cho TPHCM.
Theo tôi, TPHCM phải triển khai nhanh chủ trương này là vì đại lộ Đông-Tây dài tới hơn 21km, và nếu chỉ cần xây dựng quy định kiến trúc cho các ô phố nằm trong biên từ 100m-150m (tính từ mép đường vào trong khu dân cư) thì có nghĩa là thành phố phải xây dựng quy định kiến trúc cho một diện tích lên tới gần 322 ha. Khu vực trung tâm TPHCM rộng 930 ha mà thành phố đã mất hàng năm trời thi ý tưởng kiến trúc và vừa mới đây mới ký được hợp đồng lập quy hoạch. Theo hợp đồng, tư vấn lập quy hoạch sẽ làm việc trong 9 tháng.
Như vậy, cả năm nữa thành phố mới có được quy hoạch khu trung tâm. Các ô phố dọc đại lộ Đông-Tây rộng bằng 1/3 khu trung tâm nên ngay từ bây giờ thành phố thuê tư vấn làm quy định kiến trúc thì mới kịp hoàn thành với tiến độ hoàn thành của dự án Đại lộ Đông-Tây là cuối năm 2010.
Sở, ngành có thể tham mưu ý tưởng kiến trúc cho thành phố
* Thưa Tiến sĩ, thực hiện chủ trương của UBND TPHCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang tiến hành nghiên cứu lập quy định này…
Tôi biết, nhưng tôi vẫn cho rằng nên thuê tư vấn và các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin cho tư vấn vì các sở, ngành còn bận hàng trăm công việc quản lý Nhà nước khác. Các sở, ngành có thể tham mưu ý tưởng quản lý kiến trúc cho UBND TPHCM.
* Hiện nay, một số khu vực dọc đại lộ Đông-Tây đã có quy hoạch, nếu phải chờ thêm quy định về kiến trúc mới xây dựng, liệu có làm khó cho người dân ở đó?
Theo tôi, những công trình mang tính cấp bách, các địa phương có thể xem xét cho xây dựng (đúng quy hoạch). Còn các công trình khác thì nên chờ quy định về kiến trúc. Chúng ta mong muốn TPHCM xinh đẹp thì cũng nên chia sẻ điều ấy.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: