Top

Các khu đô thị mới nhiều... "không"

Cập nhật 11/12/2007 09:00

Tại Hà Nội, nhiều khu đô thị mới xây hoành tráng nhưng thiếu đủ thứ gây bức xúc cho người dân. Trao đổi với Báo giới về vấn đề này, giám đốc Sở Qui hoạch - kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn nói:

Tôi khẳng định khi xây dựng qui hoạch, phê duyệt đã có đầy đủ các hạng mục, công trình từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội. Nhưng sở dĩ hiện nay các khu đô thị mới đang thiếu chợ, trường, trạm y tế, sân chơi... chủ yếu do khâu tổ chức đầu tư.

* Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân do khâu kiểm soát thực hiện đối với các chủ đầu tư đang rất yếu?

Hiện nay các qui định của Nhà nước và của TP chưa qui định chi tiết về quá trình thực hiện, mà chỉ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện toàn bộ các hạng mục trong khu đô thị theo qui hoạch được duyệt.
 
Việc qui định hạng mục nào làm trước, hạng mục nào làm sau và đồng bộ đến mức nào vẫn chưa qui định chi tiết để kiểm soát. Do vậy, cần bổ sung những qui định còn thiếu như đã đề cập và phải giám sát chặt theo lộ trình chi tiết để ràng buộc chặt các chủ đầu tư.

* Đã có nhiều ý kiến cho rằng có khi chủ đầu tư chỉ chọn những dự án dễ sinh lời, thu hồi vốn nhanh, còn dự án dân sinh xã hội thì không quan tâm?

Thực tế hiện nay đang diễn ra như thế! Khi hoàn thiện dự án thì chủ đầu tư có nghĩa vụ phải thực hiện tất cả công trình trong đó, kể cả công trình phúc lợi. Nhưng thông thường chủ đầu tư làm các công trình có thể thu hồi vốn trước, còn những công trình có tính chất lợi ích công cộng họ làm sau hoặc tìm cách gọi các chủ đầu tư khác. Do vậy việc thực hiện các dự án dân sinh, hạ tầng xã hội chậm.

* Vừa qua, thông qua giám sát HĐND TP cho rằng ngay từ khâu phê duyệt đề án, các khu đô thị mới có nhiều kẽ hở nên khi người dân về ở rồi mới "lòi" ra thiếu đủ thứ?

Trước đây, ta coi cả khu đô thị là một dự án thực hiện cho nên qui định chung trong giai đoạn ấy phải hoàn thành theo qui hoạch. Tới đây sẽ phải chia giai đoạn thực hiện các hạng mục trong khu đô thị theo từng bước, bước một, bước hai, thậm chí nếu lớn nữa sẽ phải chia ra làm bước ba, bước bốn.

Trong mỗi một bước thì chủ đầu tư phải đảm bảo cân đối ở mức tối thiểu cần thiết, có thể chưa hoàn chỉnh nhưng những cái tối thiểu phải có. Ví dụ, trong giai đoạn một được phép xây một nửa diện tích nhà ở trong khu đô thị thì anh phải có chợ, có trường. Khi xây dựng hoàn chỉnh phải có thêm siêu thị, câu lạc bộ. Hoặc khi đã đưa khoảng 5.000 dân vào thì phải đảm bảo có nhà trẻ, có chợ dân sinh.



    Ông Tô Anh Tuấn

Đồng thời phải có những chế tài ràng buộc rõ. Trên cơ sở đó, nếu chủ đầu tư không hoàn thành những hạng mục đó sẽ bị chế tài, như không cho triển khai tiếp giai đoạn hai hoặc thu quyền chủ đầu tư.

* Ông có nghĩ rằng cần phải thực hiện ngay giải pháp này, nếu không TP sẽ tiếp tục xuất hiện thêm những khu đô thị mới nhưng thiếu đủ thứ?

Nếu không có giải pháp ngay thì không thể tránh được tình trạng làm rồi lại phải bổ sung. Đồng thời khắc phục được tình trạng dân về ở 5 - 7 năm nhưng vẫn không có chợ, trường, sân chơi...

* Thưa ông, mới đây một đại biểu HĐND cho biết Hà Nội hiện có hơn 40 khu đô thị nhưng không khu đô thị nào kết nối được với nhau và hạ tầng xã hội đều đang dở dang. Vậy theo ông, TP sẽ phải có những giải pháp cụ thể gì để khắc phục ngay tình trạng thiếu đồng bộ này?

Theo tôi, vấn đề đầu tiên cần phải làm là thống nhất về chủ trương và sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát cùng chế tài các khu dự án không đảm bảo sự đồng bộ.

Đồng thời phải tiến hành tổng rà soát lại không chỉ những dự án tới đây sẽ cấp phép đầu tư mà cả với những dự án đã thực hiện, đang triển khai.

Trước hết, phải có một cơ quan đứng ra rà soát lại tất cả khu đô thị ấy, xem trong đó những hạng mục gì đã thực hiện, những hạng mục gì còn thiếu. Từ đó mới có lộ trình để "ép" các chủ đầu tư thực hiện.

* Đơn vị nào sẽ trực tiếp làm việc này, thưa ông?

 Nếu theo đúng chức năng thì Sở Kế hoạch - đầu tư là cơ quan tham mưu cho TP về các dự án đầu tư và quản lý thực hiện các dự án đầu tư. Đây sẽ là cơ quan đầu mối. Đương nhiên, các ngành khác cũng phải chung tay.

Không chợ, không trạm y tế

Tại các khu Trung Hòa - Nhân Chính (12,4ha), Nam Trung Yên (56ha), Dịch Vọng (5,3ha), Pháp Vân - Tứ Hiệp, Đền Lừ 1 - Đền Lừ 2 (30,4ha)… người dân về ở gần kín tại các khối nhà nhưng vẫn chưa có chợ, không trạm y tế, không nơi vui chơi giải trí… Một số khu đô thị như Dịch Vọng, Đền Lừ, Pháp Vân - Tứ Hiệp người dân về ở vài năm nhưng cũng chỉ có những khối nhà đơn độc tồn tại.

Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất Hà Nội cho biết đang rà soát toàn bộ quĩ nhà tầng một tại các khu đô thị này. Theo đó, sẽ ưu tiên việc bố trí đủ diện tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân như nơi họp tổ dân phố, điểm chăm sóc sức khỏe, cộng đồng…



Theo Tuổi Trẻ