Vụ cháy toà nhà Keangnam ngày 27/8/2011. Ảnh: Đ.K |
Buông lỏng quản lý chất lượng thi công là nguyên nhân khiến hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra tại các dự án xây dựng nhà cao tầng thời gian qua.
Gần đây nhất, chiều 27/8, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tầng 7 tòa tháp đang xây dựng thuộc Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower, thiêu rụi toàn bộ hệ thống điều hòa của tòa nhà. Theo ông Choi Jae Ok, Trưởng phòng Hành chính Keangnam, hỏa hoạn xảy ra từ việc cháy vách ngăn tạm giữa các phòng và lớp xốp cách nhiệt, cách âm. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định là do trong quá trình hàn cắt hơi, tàn lửa bị bắn vào bảo ôn của tháp giải nhiệt. Đây là vụ hỏa hoạn thứ ba xảy ra tại tòa nhà này.
Tại một dự án khác là “Trung tâm Thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng cao cấp và căn hộ cho thuê Habico (Tòa tháp Habico tại số 288 - đường Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cao 36 tầng cũng phát sinh sự cố. Khi nhà thầu tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ, thì xảy ra sự cố bê - tông sàn bị phá hủy. Nguyên nhân, theo chủ đầu tư (CTCP Hải Bình), là do nhà thầu chính DOOSAN đưa bê - tông kém chất lượng vào thi công. Trong khi đó, nhà thầu GLOBA VINA không thực hiện đúng chức năng giám sát, dẫn đến toàn bộ sàn tầng 9 và các hạng mục bê - tông không đảm bảo chất lượng.
Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), đã yêu cầu tạm dừng thi công Dự án để kiểm tra các hạng mục công trình. Kết quả là, đã phát hiện hàng chục cột chịu lực chính không đạt chất lượng theo yêu cầu, nhiều cột phải gia cố bản thép và một số sàn không đạt chiều dày theo yêu cầu thiết kế phải gia cố bằng sợi cacbon.
Tại Nghệ An, vào ngày 20/8, trong lúc thi công công trình tòa nhà Trung tâm Thương mại khách sạn Phú Lâm (đường Nguyễn Trãi, TP. Vinh, Nghệ An) xảy ra sự cố sập mái bê – tông, khiến 2 công nhân bị thương nặng. Nguyên nhân là do cọc chống và ván cốp pha quá yếu, không chịu được sức nặng của lượng bê - tông vừa đổ.
Ngoài ra, thời gian qua, đã xảy ra hàng loạt sự cố trong xây dựng công trình cao tầng. Điển hình việc thi công công trình tòa nhà Pacific tại quận 1 (TP.HCM) đã làm sập trụ sở làm việc của Viện Khoa học Xã hội miền Nam; việc xây dựng cao ốc Residence tại quận 1 (TP.HCM) có cọc cừ làm nghiêng chung cư số 5 - Nguyễn Siêu (TP.HCM); thi công phần hầm ngầm của tòa nhà B2 (cao 8 tầng) tại Dự án Vĩnh Trung Plaza (tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã gây ra tình trạng sụt lở đất làm hàng loạt nhà thấp tầng bên cạnh bị nghiêng…
Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, trung bình mỗi năm, ước có trên 50.000 dự án đầu tư hay công trình được xây dựng trên cả nước, nhưng số lượng công trình có sự cố các loại khác nhau chỉ dao động trong khoảng 0,3%. Mặc dù tỷ lệ thấp, nhưng việc tính số lượng mỗi năm có tới 1.700 công trình có sự cố, thì hoàn toàn không ít.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy, sự cố lớn gây sập đổ công trình, có thiệt hại về người chỉ khoảng 4-5 vụ. Đối với nhóm công trình nhà riêng lẻ, hiện nay chưa có đánh giá nào đầy đủ. Cơ quan quản lý xây dựng ở địa phương hay chính quyền địa phương chỉ xem xét vấn đề tuân thủ quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng đô thị…
Theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, các sự cố đều từ các công trình do tư nhân làm chủ đầu tư và có nguyên nhân từ sự buông lỏng trách nhiệm, hoặc cố ý làm trái các quy định của pháp luật hiện hành của chủ đầu tư và của các đơn vị, cá nhân tham gia thi công và chủ yếu tập trung ở phần ngầm của công trình. Ngoài ra, hiện nay các quy định về chất lượng vật liệu hoàn thiện đối với nhà cao tầng, trong đó tập trung nhà cao tầng là nhà ở còn chưa đầy đủ và còn phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư. Việc các chủ đầu tư tùy tiện sử dụng vật tư, vật liệu hoàn thiện làm thiệt thòi đến quyền lợi của người sử dụng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bộ Xây dựng đã có chỉ đạo cấp bách nhằm khắc phục tình trạng trên, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý xây dựng tăng cường kiểm tra các chủ đầu tư, các đơn vị, cũng như cá nhân tham gia hoạt động xây dựng nhà cao tầng trên địa bàn.
Theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản.., mức xử phạt tối đa là 500 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền đối với chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm công tác quản lý chất lượng công trình gây sụp đổ, hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận 20-30 triệu đồng đối với các công trình cao tầng; phạt 20-30 triệu đồng đối với chủ đầu tư không thực hiện kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực trước khi đưa vào sử dụng đối với công trình xây dựng khi xảy ra sự cố có thể gây thảm họa đối với người, tài sản...
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: