Cư dân nhiều chung cư hiện nay vẫn mòn mỏi chờ cấp sổ đỏ trong khi quy định chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày, kể từ ngày bàn giao căn hộ...
Cư dân Star City mòn mỏi chờ sổ đỏ.
Muôn kiểu chậm sổ đỏ
Không ít chung cư sau nhiều năm dọn về sinh sống, người dân vẫn trong tình trạng mòn mỏi chờ được cấp giấy chứng nhận sở hữu cho căn hộ (sổ đỏ).
Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, thì có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho cư dân.
Tại dự án Star City Lê Văn Lương, cả trăm cư dân đã nhiều lần xuống đường để phản đối chủ đầu tư trong việc không thực hiện đầy đủ các cam kết. Trong đó, việc mòn mỏi chờ sổ đỏ là bức xúc lớn nhất khi bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà tại dự án này.
Chị Cẩm Tú, một cư dân ở Star City cho biết, chị cùng nhiều hộ dân khác ở đây đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, vào nhận nhà cũng được 3 năm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng ngóng chờ từng ngày được cấp sổ.
“Bỏ ra hơn 3 tỷ đồng nhưng căn hộ không thế chấp được ngân hàng, bán cũng kén người mua. Bây giờ chúng tôi không biết làm gì ngoài việc gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kêu cứu”, chị này cho biết.
Theo phản ánh, chung cư này vẫn chưa được hoàn công nên chưa đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Dù đã nhiều lần liên hệ nhưng chủ đầu tư của dự án vẫn chưa có phản hồi thoả đáng cho cư dân về vấn đề này.
Tại một dự án khác tại Hà Đông - chung cư Westa do Công ty Cổ phần COMA 18 làm chủ đầu tư, người dân cũng phán ánh việc được nhận bàn giao nhà từ năm 2014 nhưng đến họ vẫn chưa được làm sổ đỏ.
Qua thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, cư dân mới được biết nguyên nhân là chủ đầu tư đang thế chấp cả toà nhà trong ngân hàng.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị làm sổ đỏ nhưng mọi chuyện kéo dài hết năm này qua năm khác. Trong khi đó, cư dân gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng căn hộ hoặc thế chấp để vay ngân hàng", một cư dân nói.
Chậm sổ đỏ: Lý do không hẳn của chủ đầu tư
Việc chậm cấp sổ đỏ không chỉ do chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm hoặc do chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước mà còn có nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế, trong các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) và tài sản khác gắn liền với đất luôn đứng top đầu về... chậm muộn.
Tại một hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản do TP.HCM tổ chức hồi tháng 4, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng than vãn việc gặp nhiều vướng mắc vì khâu thẩm định, tính tiền sử dụng đất. Hàng loạt các dự án đang bị ngưng trệ, không cấp được sổ cho người dân vì vướng thủ tục này.
Chẳng hạn như dự án chung cư cao tầng An Bình, số 787 đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Được hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012 nhưng đến ngày 10/05/2018, UBND thành phố mới có quyết định số 1937/QĐ-UBND về chuyển mục đích sử dụng đất của dự án.
Đến nay, dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho người mua nhà.
Còn tại Hà Nội, mới đây theo phản ánh của cử tri, tiến độ công tác cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân tại Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm rất chậm.
Theo báo cáo của Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera, nguyên nhân chính do số lượng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố nhiều dẫn đến tình trạng quá tải, không thẩm định hồ sơ kịp thời.
Cũng tại khu bán đảo Linh Đàm, việc chậm cấp sổ đỏ, theo một số người dân cũng có phần do cơ quan quản lý. Tổ trưởng Tổ dân phố tòa HH4C Linh Đàm – Đỗ Xuân Dũng nói: “Chúng tôi là những người dân nghèo, chắt bóp cả cuộc đời mới mua được căn hộ tại chung cư HH Linh Đàm. 5 năm sống tại khu chung cư này, tôi thấy hệ thống hạ tầng điện, đường, trường học...khá tốt. Duy nhất chỉ có một vấn đề đó là sổ hồng chưa được cấp".
"Việc cơ quan chức năng chậm trễ chưa cấp sổ đã gây ra rất nhiều phiền toái cho người dân. Cụ thể, nhiều nhà có nhu cầu vay vốn ngân hàng, muốn thế chấp căn hộ để lấy vốn làm ăn kinh doanh buôn bán không được. Với gia đình có nhu cầu bán nhà cũng rất khó” – ông Dũng nhấn mạnh.
Tại khu vực này, có những tòa chung cư nằm trong diện tích xây dựng sai và vì thế việc chậm cấp sổ đỏ cũng là một lẽ. Nhưng anh Nguyễn Hoàng Anh – cư dân tòa HH2C cho biết, căn hộ của gia đình anh không nằm trong phần diện tích xây sai nhưng đã 4 năm nay, căn hộ của anh vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Anh cho rằng việc này là không công bằng với cư dân HH Linh Đàm.
“Với những phần sai phạm của chủ đầu tư có chăng nên tách bạch với quyền lợi của cư dân. Căn hộ của tôi không nằm trong phần sai phạm cũng không được cấp sổ thì thật là vô lý. Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý cần sớm giải quyết dứt điểm mọi vấn đề thủ tục để cấp sổ cho người dân”- cư dân này nhấn mạnh.
Cần công khai danh sách chủ đầu tư chậm cấp sổ đỏ
Trao đổi với Dân trí, Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản cho biết, Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định rõ về chế tài xử phạt khi chậm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ).
Theo đó, tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, nếu quá thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền. Thời gian chậm cấp giấy chứng nhận được tính kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở.
Mức phạt sẽ phụ thuộc vào thời gian và số lượng hộ gia đình, cá nhân bị chậm cấp, cụ thể: Từ 3-6 tháng với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt từ trên 50-100 triệu đồng; từ trên 12 tháng với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt từ trên 500 triệu-1 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo luật sư Trương Anh Tuấn, mức phạt này vẫn chưa đủ răn đe nhằm hạn chế chủ đầu tư vi phạm. “Vấn đề ở chỗ chủ đầu tư đang mắc các vi phạm khác khiến dự án không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Ví dụ như xây vượt tầng hoặc tìm mọi cách để bổ sung căn hộ chẳng hạn, khoản lợi nhuận từ đó sẽ thừa bù lại khoản tiền nộp phạt…”, ông Tuấn nêu một trong những thực trạng khiến tình trạng chậm cấp sổ đỏ vẫn xảy ra tại nhiều dự án.
Bên cạnh đó, mức phạt trên chỉ áp dụng với tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, không áp dụng với cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: