Top

Bộ Tài chính đồng tình với 4 kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Cập nhật 18/05/2017 11:23

Một trong số kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM là chủ đầu tư các dự án đang bị đề nghị thanh tra, mặc dù vi phạm nhưng vẫn cho tiếp tục xây dựng, nhưng với cam kết phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng các nghĩa vụ theo thanh tra, kiểm tra.


Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp lần II diễn ra ngày 17.5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Bộ đồng tình với 4 kiến nghị mà Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã nêu tại hội nghị.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói: "Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có 4 kiến nghị, chúng tôi rất đồng tình.

Thứ nhất là kiến nghị Chính phủ sớm thay thế Quyết định 09, 80, 86 về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa để không thất thoát, bảo đảm được đúng mục tiêu của quy định pháp luật.

Thứ 2, kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai về cơ chế định giá đất và cơ chế đấu thầu giá đất. Như báo chí nêu, cùng một mảnh đất, ví dụ như của Công ty xổ số cũ ở TP.HCM trên đường Lê Duẩn, với diện tích mà khi đấu giá xong thì giá khởi điểm chỉ 580 tỉ đồng, nhưng giá bán là trên 1.400 tỉ đồng. Cũng trên con đường đó, có rất nhiều dự án diện tích to hơn mà giá không theo đấu giá. Rõ ràng kiến nghị này rất đúng.

Thứ 3 là kiến nghị các chủ đầu tư (các dự án đang bị đề nghị thanh tra) mặc dù vi phạm nhưng vẫn cho tiếp tục xây dựng, nhưng với cam kết phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng các nghĩa vụ theo thanh tra, kiểm tra.

Kiến nghị cuối cùng là trong trường hợp trên vẫn bảo đảm quyền lợi của người mua hàng vì bản thân người mua hàng mua theo giá thị trường nhưng nhà đầu tư mua giá phi thị trường để bán giá thị trường, nên chênh lệch đó không thể bắt người tiêu dùng chịu, mà phải bắt nhà đầu tư chịu.

Như vậy, 4 kiến nghị này đúng pháp luật, đúng thực tiễn và phù hợp với kiến nghị của Bộ Tài chính".

Trả lời câu hỏi của phóng viên về 60 dự án mà Bộ Tài chính có văn bản số 2000/BTC-TTr báo cáo Thủ tướng, ông Tuấn nói đó là hoạt động thực hiện báo cáo 2000 theo yêu cầu của Thủ tướng tại văn bản 1285 ngày 29.11.2016,

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ rà soát tình trạng sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa, báo cáo Thủ tướng và kiến nghị giải pháp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã rà soát, thời điểm rà soát từ 1.7.2014 đến hết 2016, tức là thời điểm thực hiện Luật Đất đai 2013.

"Qua rà soát đó, chúng tôi có 2 kiến nghị. Thứ nhất, chúng tôi báo cáo Thủ tướng năm 2017, một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã duyệt, giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra, thanh tra tình trạng sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM. Do vậy, chúng tôi đề nghị cho phép chúng tôi chuyển danh sách 60 dự án đó sang cho Thanh tra Chính phủ tham khảo để chọn ra các đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị đó.

Kiến nghị thứ hai, trong số 60 dự án đó, đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm so với Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, gây bức xúc trong dư luận thì kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh đình những cái đang thực hiện, chứ không phải tất cả.

Như vậy, việc Bộ Tài chính báo cáo là theo yêu cầu của Chính phủ, và theo chức năng nhiệm vụ, kiến nghị đó là theo đúng đối tượng vi phạm thì cần phải có biện pháp ngăn chặn và khắc phục", ông Tuấn nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới