Dự thảo Luật đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2012 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 năm 2013. Bộ Tài nguyên - môi trường đang lấy ý kiến của các địa phương.
Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án. Trong ảnh: khu cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4, TP.HCM) trong giai đoạn giải phóng mặt bằng - Ảnh: Thuận Thắng |
Báo Tuổi Trẻ giới thiệu một số góp ý của các chuyên gia. Dưới đây là ý kiến của ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng.
Tích tụ ruộng đất là thực tế
Điều 70 Luật đất đai 2003 quy định mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được nhận chuyển nhượng tối đa 6ha đất nông nghiệp. Thực tế đã có rất nhiều hộ nông dân đang canh tác trên cánh đồng hàng chục thậm chí hàng trăm hecta đất. Diện tích đất có được là do người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất. Để lách quy định của pháp luật, người “mua” đất đã nhờ người khác đứng tên. Thực tế này chính quyền địa phương biết rõ nhưng mặc nhiên thừa nhận.
Như vậy nhu cầu tích tụ ruộng đất để canh tác, hình thành những cánh đồng, trang trại lớn để nâng cao năng suất lao động, sử dụng máy móc tiên tiến là có thật nhưng vì pháp luật không thừa nhận nên việc tích tụ ruộng đất phải lách quy định, Nhà nước cũng không thu được gì. Vì vậy, cần xóa bỏ hạn điền và để việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được vận hành theo cơ chế thị trường. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất.
Để bảo vệ quyền lợi người nông dân, Nhà nước nên nhìn rộng ra trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, trong đó cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp đang diễn ra quyết liệt. Chúng ta cần xây dựng một nền nông nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn, đó là cách duy nhất để đảm bảo quyền lợi cho những người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, từ đó bảo đảm nguồn lực dồi dào hơn từ xuất khẩu để giải quyết những vấn đề cơ bản của đất nước như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và an sinh xã hội.
Nếu giao đất có thời hạn 20 năm theo Luật đất đai 2003, người nông dân vẫn lấn cấn vì thời hạn giao đất quá ngắn ngủi, mảnh đất được giao 20 năm không phải là đất của họ nên họ không toàn tâm toàn ý đầu tư sản xuất, đặc biệt là giai đoạn cuối của thời hạn giao đất. Thời hạn giao đất ngắn cũng không khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia lĩnh vực nông nghiệp.
Tốt nhất là bỏ quy định về thời hạn giao đất nông nghiệp, nếu không thì thời hạn giao đất nông nghiệp cũng phải là 50 năm mới đáp ứng được yêu cầu của một nền sản xuất nông nghiệp lớn trong cạnh tranh toàn cầu.
Hai cơ chế giải phóng mặt bằng
Luật đất đai sửa đổi lần này cần theo hướng công nhận hai cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng là Nhà nước thu hồi đất đai và nhà đầu tư tự thỏa thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dân. Nhà nước đứng ra thu hồi đất để xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội, các dự án phục vụ lợi ích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng theo bảng giá đất xây dựng trên nguyên tắc sát giá thị trường. Mặt khác, Nhà nước cũng sẽ đứng ra thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, đáp ứng nhu cầu mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân nhằm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (thực chất là “mua” đất theo giá thị trường) để thực hiện các dự án kinh doanh phù hợp với quy hoạch.
Đối với dự án đã thu hồi trên 80% nhưng khó bồi thường phần đất còn lại, có thể cần có nhiều giải pháp như trả với giá cao nhất trong dự án, thuê công ty tư vấn thẩm định giá độc lập, đổi đất hoặc cho góp vốn bằng đất... Nhà nước có thể hỗ trợ để thực hiện dự án đúng theo quy hoạch trên cơ sở hài hòa được lợi ích các bên, sao cho các bên cùng có lợi.
Khi doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước sẽ được trừ số tiền đúng bằng số tiền doanh nghiệp phải chi trả trong thực tế cho người đang sử dụng đất. Tránh tình trạng như hiện nay Nhà nước chỉ khấu trừ tiền bồi thường cho đất nông nghiệp tính theo giá đất xác định bằng phương pháp thu nhập, tính ra rất nhỏ bé so với giá trị họ đã phải chi trả bồi thường để tránh tình trạng phải “mua đất hai lần”.
Nên bỏ hạn điền, thời hạn giao đất
Ngày 20-8, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức buổi gặp gỡ xin ý kiến các chuyên gia về dự Luật đất đai (sửa đổi). Hầu hết chuyên gia đều cho rằng cần đề nghị bãi bỏ hạn điền với đất nông nghiệp và nên giao đất không thời hạn cho dân.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng về thời hạn sở hữu đất, theo quy định đến năm 2013 thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ hết hạn, không thể thu hồi được, nên trong luật mới không nên quy định thời hạn giao đất và với đất nông nghiệp, cũng không nên hạn điền để đảm bảo người có vốn, có trình độ có thể mua đất và sử dụng nó có hiệu quả cao nhất. Nếu cần giới hạn, ông Tuyển cho rằng nên giới hạn về nhà ở vì nhiều người hiện nay mua nhiều nhà, ảnh hưởng đến khả năng mua nhà của người khác.
Về giá đất khi đền bù giải phóng mặt bằng, ông Trương Đình Tuyển đề nghị trả tiền theo hai giai đoạn, thứ nhất là khi giải phóng mặt bằng sẽ trả theo giá thị trường. Đợt hai khi công trình đã hoàn thành, giá đất của người dân tăng lên sẽ trả thêm lần nữa, nhưng lần này Nhà nước sẽ được hưởng một phần chênh lệch do giá đất tăng.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước - thống nhất không nên có hạn điền, không nên quy định thời hạn giao đất nông nghiệp. Ông Kiêm cho rằng trong sửa Luật đất đai lần này nếu có tinh thần “dám giải quyết” thì các vấn đề sẽ rất rõ ràng.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, đồng tình việc bỏ hạn mức đất và thời hạn giao đất nông nghiệp nhưng đề nghị đồng thời thiết lập cơ chế giám sát đối với các quyết định giao đất của địa phương. Trước đây, Bộ Tài nguyên - môi trường có đề nghị các địa phương khi giao đất thì đồng gửi quyết định đến bộ để biết và giám sát. Nhưng theo ông Võ, không địa phương nào gửi. Đến nay, cơ bản đã cấp xong sổ đỏ nên ông Đặng Hùng Võ đề nghị cần tính toán chỉ cho một cấp tỉnh được quyền quyết định về đất đai thay vì cả cấp huyện như hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: