Top

Bộ GTVT đưa ra giải pháp vốn cho xây dựng cơ bản

Cập nhật 16/11/2011 11:20

Tại cuộc họp báo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa tổ chức do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng chủ trì, nhiều vấn đề được báo giới quan tâm, trong đó có vấn đề thanh quyết toán những dự án vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2010 trở về trước.


Theo thông tin của bộ GTVT, những dự án vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2010 trở về trước cho các doanh nghiệp đã được phân bổ hết. Đây là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp thi công các dự án TPCP trước những khó khăn về lãi suất ngân hàng, tỉ giá giữa đồng USD và đồng VN thay đổi, cùng với giá xăng dầu, điện... tăng cao và ảnh hưởng của khủng hoảng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các khó khăn khách quan này đang tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Nỗ lực trước nguồn vốn eo hẹp


Sau khi rà soát danh mục các dự án, kế hoạch năm 2011, Chính phủ dự kiến phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ là 45.000 tỷ đồng, giảm 11.000 tỷ đồng so với năm 2010. Dự kiến bố trí cho các dự án ngành giao thông 23.000 tỷ đồng (51% tổng vốn); còn lại là các dự án về thủy lợi, y tế; giáo dục… ngoại trừ các dự án ODA được ưu tiên bố trí vốn đối ứng. Ông Lê Anh Tuấn – Vụ phó Vụ KHĐT Bộ GTVTcho biết: Năm 2011, Chính phủ đã giảm 50% vốn của các dự án trái phiếu CP. Do vậy, các chủ đầu tư chỉ được phép dồn vốn cho một số ít dự án hoàn thành năm 2011, số vốn còn lại sẽ dùng trả nợ khối lượng hoàn thành cho tất cả các dự án đến ngày 31/3/2011, chi trả tiền giải phóng mặt bằng cho các dự án, gói thầu đã có phương án giải phóng mặt bằng được duyệt.Vì vậy,các dự án sử dụng TPCP được triển khai theo đúng kế hoạch của Bộ GTVT và những dự án nào đã hoàn thành trước 31/12/2010 mà các chủ đầu tư trình lên Bộ GTVT đều được ưu tiên thanh quyết toán phân bổ vốn. Và hiện nay bộ GTVT đã hoàn thành tất cả công tác phân bổ vốn TPCP năm 2010. Tuy nhiên, những dự án nào đã hoàn thành từ năm 2010 trở về trước được ưu tiên bố trí vốn nhưng hiện nay một số dự án do nhà thầu chưa hoàn thiện đầy đủ hồ sơ thanh quyết toán với chủ đầu tư, hoặc năng lực của chủ đầu tư có thể là chưa triển khai được công tác thanh quyết toán…

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến hết tháng 10/2011, hầu như tất cả các nguồn vốn giao kế hoạch đầu năm đều giải ngân và thực hiện hết. Trong đó, nguồn trái phiếu Chính phủ được Chính phủ giao 11.000 tỷ đồng nay đã thực hiện được 11.769,2 tỷ đồng, đạt 107% KH, so với cùng kỳ tăng 0,5%, giải ngân 10.688 tỷ đồng, đạt 97,5% KH (bao gồm cả phần hoàn ứng 720,9 tỷ đồng đã giải ngân trong năm 2010), so với cùng kỳ tăng 0,1%. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, nhu cầu của ngành GTVT với nguồn vốn này trong năm nay cần đến khoảng 23.000 tỷ đồng và nếu triển khai quyết liệt có thể lên đến khoảng 37.000 tỷ đồng. Với số vốn giao ít ỏi trên thì thiếu vẫn hoàn thiếu.

Bài toán vốn của ngành GTVT

Trong kế hoạch phát triển GTVT năm 2012 được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ thì danh mục dự án và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ bố trí tối thiểu 15.000 tỉ đồng vốn ngân sách cho 87 dự án, trong đó có 20.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 120 dự án. Nhưng việc Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện các biện pháp cắt giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát trong năm 2012 thì có thể nhu cầu vốn trên của ngành GTVT khó có thể được đáp ứng. Đây có thể coi là một bài toán hết sức nan giải đối với công tác xây dựng cơ bản của ngành GTVT, đặc biệt trong bối cảnh phải tạo được bước đột phá về lĩnh vực hạ tầng giao thông để phát triển KT - XH trong những năm tới. Đứng trước bài toán khó này, đòi hỏi ngành GTVT phải có bước đột phá, đặc biệt trong cách tiếp cận xây dựng kế hoạch và phân bổ, bố trí vốn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng kế hoạch vốn, thay vì xây dựng trên cơ sở nguồn vốn hiện có thì phải căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của ngành. Trong đó cần đề xuất các giải pháp, cơ chế tạo nguồn lực mới trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ những tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu thay đổi cách thức phân bổ vốn, thay vì chỉ phân bổ hàng năm thì cần phân bổ theo mục tiêu hoàn thành các dự án trong cả nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm, theo thứ tự ưu tiên. Việc làm này là hết sức quan trọng để tránh dàn trải vốn và có thể tập trung hoàn thành dứt điểm những dự án cụ thể để sớm đưa vào sử dụng, khai thác mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN