Bê tông hóa toàn bộ vỉa hè của TP sẽ làm mất khoảng 900.000 m2 diện tích đất thấm nước, gây ra nhiều tác hại về môi trường.
Vỉa hè của nhiều tuyến đường ở TPHCM đang được lật lên để làm lại theo kết cấu mới. Nhiều nhà khoa học đã phản ứng gay gắt về việc làm này.
Sẽ gây ngập nhiều hơn
Theo kỹ sư Ngô Ngọc Minh, Trưởng Phòng Khảo sát thí nghiệm Trung tâm Tư vấn Khoa học và Công nghệ cầu đường cảng (Hội Cầu đường cảng TPHCM), kết cấu đang được triển khai là theo mẫu của Sở GTVT TPHCM. Cụ thể, vỉa hè được đào sâu 20 cm và đổ đá dăm lên. Sau đó lu lèn để đạt độ chặt theo yêu cầu thiết kế, rồi tiếp tục đổ lớp bê tông dày 5 cm, tráng một lớp vữa dày 2 cm lên trên. Mặt hoàn thiện trên cùng dày 3 cm sẽ được lát đá hoặc gạch Terrazzo có kích thước 40 cm x 40 cm. Theo kỹ sư Minh, ưu điểm lớn nhất của kết cấu mới này là tạo được mỹ quan cho hệ thống vỉa hè của TP.
Tuy nhiên, theo GS-TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, việc bê tông hóa vỉa hè là lợi bất cập hại. Lớp bê tông sẽ làm cho vỉa hè không thể thấm nước, gây thất thoát nghiêm trọng cho lượng nước ngầm của TP vốn đang hao hụt nhiều. GS-TS Lê Huy Bá tính toán cụ thể, toàn TP hiện có khoảng 300.000 m đường. Như vậy, cả TP sẽ mất đi khoảng 900.000 m2 mặt đất để thấm nước. Như vậy, vấn đề này tưởng nhỏ mà không hề nhỏ chút nào.
PGS-TS Đoàn Cảnh, Viện Sinh học Nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ VN), phân tích thêm về tác hại của bê tông hóa vỉa hè. Nước mưa không thể thấm xuống đất sẽ tràn xuống mặt đường. Hiện nay, hệ thống thoát nước của TP chưa hoàn thiện, nước mưa dồn hết xuống cống, không thoát kịp sẽ gây ngập tại nhiều nơi.
Dễ gây sụt lún
Theo PGS-TS Đoàn Cảnh, bê tông hóa vỉa hè sẽ làm cho đất phía dưới mất đi độ ẩm, gây khô xốp, tạo ra những lỗ hổng và dễ gây sụt lún. Lâu dần, lớp đất này sẽ trở thành đất chết. Đất thiếu độ ẩm sẽ không thể cung cấp nước cho cây xanh trồng dọc vỉa hè. Vả lại, khi nước mưa thấm được xuống đất sẽ mang theo những chất bẩn trên vỉa hè xuống lòng đất. Chất bẩn được giữ lại ở lớp đất đá bên trên sẽ được các sinh vật tại đây phân hủy theo quy luật tự nhiên. Trái lại, nếu nước cuốn chất bẩn dồn hết xuống cống, lâu dần sẽ gây tắc nghẽn trong hệ thống thoát nước.
GS-TS Lê Huy Bá cho rằng nếu nhìn sâu hơn nữa, bê tông hóa vỉa hè còn gây nhiều tác hại nghiêm trọng đến thời tiết tại TPHCM. Lớp đất dưới lớp bê tông thiếu nước nên khi trời nóng sẽ không thể bốc hơi để “giải nhiệt” cho không khí, khiến nhiệt độ TP sẽ trở nên khắc nghiệt hơn. Về lâu dài, tình trạng này sẽ khiến cho không khí ở khu vực TPHCM khô nóng hơn, mất cân bằng nhiệt so với các khu vực lân cận. Điều này dẫn đến dồn tụ không khí ở các khu vực xung quanh trên bầu không khí tầng thấp vào khu vực TPHCM, tạo nên những cơn mưa lớn bất ngờ, làm cho tình trạng ngập úng ở TPHCM trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết hơn. Thời tiết ở TPHCM cũng sẽ biến đổi khó lường hơn.
Đi ngược so với thế giới
Theo nghiên cứu của PGS-TS Đoàn Cảnh, ở các nước phát triển, trước đây người ta cũng từng làm vỉa hè theo cách đổ bê tông xuống dưới và lát đá hoặc lát gạch lên trên. Tuy nhiên, từ năm 1975 trở lại đây, nhận thức được những tác hại của việc này, họ đã cho lật hết vỉa hè lên, phá bỏ lớp bê tông và cho dùng gạch con sâu trở lại. Dẫn chứng cụ thể, PGS-TS Đoàn Cảnh nói: “Một điều dễ thấy nhất là hãy để ý vỉa hè của các công trình lớn do người nước ngoài thiết kế được xây dựng tại TPHCM như các khách sạn cao cấp, các văn phòng cơ quan... vỉa hè ở các công trình này được lát bằng gạch con sâu chứ không hề làm bằng các loại gạch, đá đắt tiền như ta đang làm. Như vậy, chúng ta đang đi ngược so với các nước tiến bộ”.
"Để thiên nhiên tham gia vào môi trường
Nghiên cứu nhiều năm về lĩnh vực này, PGS-TS Đoàn Cảnh thấy rằng hiện nay, các nước tiên tiến áp dụng kết cấu vỉa hè rất khoa học và hợp với tự nhiên. Đầu tiên, họ đào sâu xuống đất và đổ xuống một lớp đá có kích thước lớn, sau đó là đá nhỏ dần và đến đá dăm. Trên cùng sẽ là một lớp cát và tiến hành lu lèn cho chặt. Sau đó, người ta lát gạch con sâu hoặc gạch có lỗ, gạch có khả năng thấm nước. Bên dưới lớp đá lớn, người ta còn đặt một đường ống có những lỗ nhỏ để giúp thoát nước nhanh hơn và dẫn nước tới những vị trí cần thiết. PGS-TS Đoàn Cảnh phân tích: Kết cấu này được xây dựng theo quan điểm “thiên nhiên tham gia vào vấn đề môi trường”."
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: