Gần đây trên thị trường xuất hiện tình trạng một số văn phòng môi giới bất động sản tự in các tờ rơi quảng cáo dự án rồi đưa tên các doanh nghiệp uy tín vào để lừa khách hàng. Đặc biệt, hàng loạt cò đất đã lợi dụng tên tuổi các "ông lớn" địa ốc tại TP.HCM để gây ngộ nhận cho khách hàng bằng nhiều chiêu trò quảng bá dự án không phải của mình.
Thời gian gần đây, bộ phận kinh doanh Công ty CP Địa ốc Him Lam nhận được nhiều cuộc điện thoại của khách hàng gọi đến tìm hiểu các dự án đất nền mà khách hàng biết đến qua các tờ rơi được nhân viên môi giới phát ra tại các ngã tư trên địa bàn TP.HCM, như "Him Lam Bình Chánh" hay "Him Lam Nam Sài Gòn"…
Khi nhận điện của khách hàng nhân viên cùng lãnh đạo công ty hoàn toàn bất ngờ bởi doanh nghiệp này không làm chủ đầu tư các dự án trên và kế hoạch kinh doanh của Him Lam cũng không có chủ trương tiếp thị dự án theo cách phát tờ rơi trên đường phố.
Khi được khách hàng cho xem các tờ rơi, lãnh đạo công ty càng bức xúc hơn khi logo, thương hiệu công ty được in cùng với thông tin giới thiệu về các dự án nói trên. Đỉnh điểm là "Lễ Khai trương mở bán Him Lam Bình Chánh" được công khai tổ chức tại Trung tâm hội nghị 7 Kỳ quan vào ngày 18/11/2018 vừa qua. Đáng lưu ý, vào cùng ngày, dự án mang tên "Him Lam Nam Sài Gòn" cũng tổ chức một hoạt động mở bán, giới thiệu sản phẩm tại địa điểm trên.
Trước tình trạng này, Him Lam Land vừa phát đi thông cáo nhằm làm rõ thông tin về dự án mà đơn vị này đang chào bán trên thị trường và khẳng định những quảng cáo đăng tràn lan trên mạng internet hay tờ rơi đều là giả mạo.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land- công ty thành viên của Công ty CP Him Lam cho biết, Công ty Him Lam khẳng định việc các đơn vị cố ý đặt tên, mở bán sản phẩm với tên gọi "Him Lam Bình Chánh", "Him Lam Nam Sài Gòn" và gắn logo công ty, màu sắc thương hiệu công ty là hành vi "mạo danh", xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu độc quyền của Him Lam. Công ty Him Lam sẽ làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ quyện lợi chính đáng của mình.
Hiện nay, Him Lam không triển khai, mở bán bất cứ dự án nào mang tên "Him Lam Bình Chánh" hay "Him Lam Nam Sài Gòn" tại khu vực huyện Bình Chánh, ngoài khu dân cư Him Lam 6A đã được hoàn tất và bàn giao từ lâu. Đặc biệt, Công ty Him Lam và các đối tác liên kết bán hàng chưa bao giờ và không bao giờ phát tờ rơi để giới thiệu dự án và bán sản phẩm nhà đất.
Bà Ngọc cho biết thêm những thông tin quảng bá dự án do môi giới tự đưa ra là hành vi lợi dụng uy tín của Him Lam để lừa dối khách hàng, công ty đang nhờ cơ quan công an làm rõ các nội dung trên.
Rầm rộ nhất phải kể đến dự án VinCity của VinGroup tại quận 9, bởi hàng ngày tràn lan trên các trang mạng không chính thức về việc các công ty đứng ra tự nhận là đơn vị phân phối độc quyền và nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Khi đi ngang tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9, hai bên đường xuất hiện khá dày nhân viên môi giới đứng phát tờ rơi, ai cũng cho biết công ty mình mới là đơn vị phân phối dự án chính thức. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, được biết tập đoàn VinGroup cho đến thời điểm hiện nay chưa có một động thái nào khởi động bán dự án ra thị trường TP.HCM.
Những hiện tượng như thế này không phải lần đầu xảy ra trên thị trường địa ốc TP.HCM mà từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã phải phát đơn kêu cứu các cấp chính quyền về việc bị cò đất mạo nhận dự án và tên tuổi chủ đầu tư.
Chẳng hạn, hồi tháng 6/2018, Công CP Quốc Lộc Phát, ông chủ đầu tư dự án phức hợp Sóng Việt (thuộc khu chức năng số 1, đô thị mới Thủ Thiêm) đã một phen "xấc bấc xang bang" khi cho biết, thời gian qua đã có nhiều cá nhân, tổ chức đã mạo danh công ty để thực hiện hành vi lừa đảo.
Cụ thể, Quốc Lộc Phát đang triển khai nhiều hạng mục tại dự án dự án phức hợp Sóng Việt nhưng chưa có chính sách chào bán sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, một số trang mạng điện tử, trang mạng xã hội đã đăng công khai các tin chào bán sản phẩm.
Những thông tin trên các trang này đều là thông tin không chính thức, sai lệch về dự án. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và quyền lợi hợp pháp của chủ đầu tư, cũng như người tiêu dùng.
Nghiêm trọng hơn, các trang điện tử, mạng xã hội còn đăng tải thông báo với khách hàng thay mặt chủ đầu tư nhận tiền giữ chỗ mua sản phẩm, với số tiền từ 200-500 triệu đồng/căn hộ.
Quốc Lộc Phát không phải là công ty duy nhất bị cò đất mạo danh chủ đầu tư lừa dối khách hàng. Còn nhớ, trước đây Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh - chủ đầu tư dự án khu đô thị Sala tại quận 2, TP.HCM - đã phải lên tiếng trước việc có nhiều website, trang mạng xã hội mạo danh công ty này, gây nhầm lẫn đối với khách hàng.
Theo đó, các website mạo danh này ngang nhiên sử dụng trái phép hình ảnh và đưa ra nhiều thông tin sai lệch về dự án khu đô thị Sala, ghi số điện thoại hotline giả mạo. Thậm chí, có trang web tự nhận là nhà phân phối chính thức của dự án khu đô thị Sala và thông báo sẵn sàng nhận tiền đặt cọc mua bán sản phẩm dự án.
Một trường hợp tương tự, công ty Sơn Kim Land cũng phải "khóc mếu" do liên tục nhận được rất nhiều thông tin hỏi về việc đã mở bán một dự án khu dân cư ven sông tại Thủ Thiêm hay chưa. Bởi, trên mạng internet tràn ngập thông tin quảng cáo thu hút giới đầu tư và người mua nhà về dự án này.
Đi kèm với đó, nếu khách hàng nào đặt cọc giữ chỗ sớm sẽ nhận được nhiều phần thưởng rất có giá trị như xe hơi, xe máy SH i150cc, điện thoại iPhone X... Thậm chí, giá còn thấp hơn nhiều so với mức dự kiến của chủ đầu tư, cùng với đó là số điện thoại liên hệ để xem căn hộ mẫu.
Nhưng, qua trao đổi với chúng tôi, một đại biện ban lãnh đạo của doanh nghiệp này cho biết hiện tại dự án vẫn đang trong quá trình hoàn tất nhiều thủ tục pháp lý liên quan. Dự kiến đến cuối năm 2018 hoặc quý 1/2019 công ty mới lên kế hoạch tung dự án ra thị trường, nhưng không hiểu vì sao trên mạng internet lại có nhiều trang web tự xưng là chủ đầu tư rao bán và nhận tiền của khách hàng.
Đặc biệt, rất nhiều tài khoản mạng xã hội đã được lập ra và đưa ra những phân tích cũng như dự đoán về giá bán nhằm khơi sự tò mò của người mua. Kèm với đó, chủ nhân các trang yêu cầu khách hàng phải đăng ký các thông tin như tên, số điện thoại, email theo yêu cầu thì mới nhận được những thông tin cập nhật nhất về các dự án này.
Một số doanh nghiệp tên tuổi có uy tín khác trong làng bất động sản cũng bị mạo nhận như trên còn có Công CP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (tập đoàn Hưng Thịnh Corp). Vụ việc xảy ra tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do Công ty Hưng Thịnh Group làm chủ đầu tư. Hưng Thịnh Corp dù không phải là chủ đầu tư của dự án trên nhưng cũng đã bị vạ lây. Sự việc khiến đơn vị này phải phát thông báo trên website cho biết công ty không có bất cứ liên quan tới Hưng Thịnh Group (trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TPHCM).
Hay như Tập đoàn Đại Phúc cũng gửi các văn bản thông báo đến cơ quan chức năng và người dân để cảnh báo về việc hiện nay trên thị trường có một số đối tượng sử dụng hình ảnh dự án Khu đô thị Vạn Phúc của đơn vị này rồi rao bán, dẫn dụ người dân trao đổi mua bán.
Theo đó, các đơn vị, cá nhân tự xưng là nhà phân phối độc quyền của Đại Phúc, đưa ra mức giá 12-13 triệu đồng/m2 gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm, thương hiệu và uy tín của dự án Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ khi giao dịch tài chính với các đối tượng này để tránh tình trạng tiền mất tật mang hoặc phải chịu giá chênh bất hợp lý. Để mua nhà, đất, khách hàng nên đến liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư hoặc đến các buổi mở bán chính thức để nhận được những tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp sống kinh tế
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: