Thị trường bất động sản gặp khó khăn, giá đất giảm mạnh, dự án ngừng thi công trong thời gian dài, nhiều khách hàng lo lắng, “chột dạ” khi rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”. Hàng tỷ đồng đang chôn vùi vào dự án, còn chủ đầu tư biến mất dạng. Tình thế này khiến cho không ít người mua nhà rơi vào tình trạng lao đao. Sốt ruột, khách hàng đã lần theo mọi dấu vết, truy chủ đầu tư để đòi tiền.
Chậm và lỡ
Theo đúng hợp đồng mua nhà, dự án Tricon Tower do Minh Việt làm chủ đầu tư, đã phải bàn giao nhà cho người mua vào 31/12/2011, muộn nhất là 30/6/2012. Mỗi căn hộ sẽ có diện tích 156,88m2 với số tiền là 263.000 USD. Khách hàng sẽ phải đóng tiền theo định kỳ 3 tháng/lần mỗi lần 20.000 USD.
Đến nay đã quá thời hạn một năm nhưng toàn cảnh dự án vẫn chỉ thi công xong phần móng. Điều này khiến nhiều khách hàng cho rằng mình đã bị lừa, thời gian giao căn hộ không biết là lúc nào và có thể sẽ là điều không tưởng.
Khách hàng đã nhiều lần đề nghị Minh Việt trả lại tiền, nhưng không được. Quá bức xúc, hàng trăm khách hàng đã mang băng rôn biểu ngữ bao vây trụ sở Minh Việt tại Dịch Vọng, Cầu Giấy đòi bồi thường thiệt hại.
Tương tự, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp The Bayview Tower tại Quảng Ninh của Minh Việt cũng đang “bất động” do khó khăn về tài chính. UBND tỉnh Quảng Ninh đang “dọa” thu hồi nếu tiếp tục để dự án bỏ hoang.
Một dự án khác mang lại “quả đắng” cho nhiều nhà đầu tư là Usilk City của Sông Đà Thăng Long. Dự án đang trở thành nỗi bức xúc của nhiều khách hàng, đặc biệt là những người mua nhà đã đóng 100% tiền giá trị hợp đồng để nhận khuyến mại tặng sàn trung tâm thương mại. Giá trị khuyến mãi quá lớn nên khách hàng mua đua nhau đi nộp tiền trước thời hạn, chỉ sau 10 ngày, số sàn thương mại dùng tặng khách hàng đã hết và số tiền chủ dự án thu về không hề nhỏ.
Anh Tuấn, một khách hàng mua nhà tại dự án Usilk City cho biết, một năm rưỡi nay nhà không thấy đâu cũng không thấy cả sàn thương mại. Hơn nữa, việc chủ đầu tư hứa tặng sàn thương mại cho khách càng trở nên mơ hồ vì không ai viết sàn thương mại nằm ở chỗ nào, địa điểm ra sao. Dự án chậm tiến độ, không rõ chủ đầu tư đã tiêu tiền của người mua nhà vào việc gì. Anh Tuấn cũng như nhiều khách hàng lo ngại về việc giao nhà đúng hẹn.
Dự án văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp (52 Lĩnh Nam- Hoàng Mai - Hà Nội) của Công ty cổ phần Lilama Hà Nội đã thu 70-95% giá trị căn hộ nhưng vẫn chưa xong phần thô dự án.
Chị Thu, một khách hàng cho hay, chị mua căn hộ 88 m2 từ tháng 3/2011 với giá 18 triệu đồng mỗi m2, chưa kể 360 triệu đồng tiền chênh. Chị đã đóng tới 95% giá trị hợp đồng, tương đương 1,67 tỷ đồng vào tháng 8/2011. Chủ đầu tư hứa bàn giao trong tháng 6 năm nay nhưng hiện khách hàng vẫn chưa được nhận nhà.
Khách hàng dự án này còn tố chủ đầu tư còn vi phạm hợp đồng khi điều chỉnh diện tích căn hộ tăng thêm 4-10 m2, thậm chí có trường hợp tăng thêm 34 m2.Lilama Hà Nội điều chỉnh số tầng cao của hai tòa nhà, từ 27 tầng lên 30 tầng và từ 18 lên 23 tầng khi chưa đủ giấy phép.
Mặc kệ khách hàng
Giải thích lý do chậm tiến độ, chủ đầu tư Minh Việt đổ lỗi cho nhà thầu không thực hiện theo đúng tiến độ, khối lượng và các tiêu chí hoàn thiện của công trình và những lý do khách quan. Mặc dù vậy, quyền lợi của khách hàng vẫn bị bỏ ngỏ.
Lilama Hà Nội giải thích, việc dự án bị chậm tiến độ là do chủ đầu tư thiếu vốn. Trong bối cảnh sắt thép, vật liệu xây dựng lên cao, lãi suất ngân hàng tăng nên công ty không đủ vốn triển khai. Chủ đầu tư đang trong quá trình đàm phán với một ngân hàng để tiếp tục triển khai dự án.
Còn Sông Đà Thăng Long cũng đã phải xin giãn tiến độ dự án. Theo đơn vị này, mặc dù đã tìm mọi cách xoay sở dòng vốn bổ sung tuy nhiên do thị trường bất động sản đang mất tính thanh khoản trầm trọng nên kéo theo nguồn thu từ phía khách hàng bị giảm sút và ngưng trệ đột ngột. Đây chính là nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công của dự án và chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến việc bàn giao căn hộ cho khách hàng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, chuyên gia bất động sản, thị trường bất động sản gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Mô hình kinh doanh bất động sản trước đây vẫn theo kiểu “giật gấu vá vai”, lấy tiền của người mua dự án này đầu tư dự án khác. Trong khi đó, năng lực tài chính của chủ đầu tư không được đảm bảo.
Theo quy định, mỗi chủ đầu tư chỉ có 1 nguồn vốn nhất định mà không quy định số tiền đó thực hiện bao nhiêu dự án nên mới xảy ra tình trạng chỉ cần một dự án bị ngưng trệ, ngay lập tức hàng loạt dự án khác của chủ đầu tư cũng bị kéo theo. Rủi ro nhất vẫn thuộc về khách hàng, số tiền chênh bị mất trắng và dự án không biết đến bao giờ hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Đực, công ty Đất Lành cho rằng, không chỉ người mua mà bản thân doanh nghiệp cũng là người chịu thiệt hại. Người mua nhà dành dụm số tiền lớn để mua nhà còn doanh nghiệp cũng phải bỏ ra tiền tỷ đề mua đất, xây dựng dự án, lấy tiền dự án này để tập trung xây dựng dự án khác làm thương hiệu. Thị trường khó khăn họ phải cầm cố tài sản bằng đất đai, nhà cửa, xe hơi khi dự án không xong nguy cơ trắng tay có thể xảy ra. Hậu quả lớn cho xã hội là những dự án dang dở.
Nhiều chuyên gia nhận định, để giải quyết vấn đề như hiện nay bản thân doanh nghiệp cũng cần phải tự cải tổ lại mình và cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước cũng như ngân hàng. Để có tiền trả lại cho nhà đầu tư, buộc chủ đầu tư phải bán hết chỗ hàng tồn để thu tiền về, mà lúc này đây là điều gần như không thể.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: