Top

BĐS muốn thoát đói vốn cần gây lại niềm tin

Cập nhật 03/04/2012 09:30

Nguồn vốn từ ngân hàng đang tạm thời siết lại, thách thức đối với DN BĐS trong năm 2012 là làm gì để có được nguồn vốn tiếp tục thực hiện những dự án còn dang dở nhằm lấy lại lòng tin của thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc hoàn thiện mô hình quỹ tiết kiệm nhà, cần tìm ra những mô hình mới, kênh huy động vốn mới cho thị trường bất động sản…

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thị trường nhà đất hiện đang rơi vào tình trạng thiếu vốn, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng “van mở” vốn cho bất động sản chưa thực sự tháo hẳn ra, do cơ chế chính sách; thứ nữa là lãi suất tín dụng vẫn cao, khó tiếp cận cho nhà đầu tư, vốn tín dụng cho DN vay chủ yếu là ngắn hạn, khó khăn cho tính thanh khoản đối với các dự án.

Trước đây các nhà đầu tư mua buôn của chủ dự án là đã có lãi rồi, khi thị trường trầm lắng, thiếu vốn thì nhà đầu tư thứ cấp phải “gánh” vốn nhiều nhất.

Cần thận trọng khi "bơm" thêm vốn cho bất động sản

Hiện nay, thị trường nhà đất ở Hà Nội và TP.HCM hoàn toàn khác nhau, nguồn cung của Hà Nội chỉ bằng 1/3 nguồn cung so với TP.HCM, trong khi đó nhu cầu thì như nhau. Ngoài ra, áp lực về vốn đối với các dự án ở Hà Nội không căng thẳng bằng TP.HCM, bởi lý do ở Hà Nội các nhà đầu tư ở giữa (thứ cấp) mua buôn đã gánh nhiều cho chủ đầu tư, trong khi TP.HCM chủ đầu tư trực tiếp xây dựng dự án và bán hàng nên chịu rất nhiều áp lực về vốn, đặc biệt là vốn vay ngân hàng, nên nhiều dự án rơi vào tình cảnh nợ xấu, buộc phải giảm giá, chuyển nhượng lúa non...

Ông Võ cho rằng, để tín dụng mở cửa cho vay bất động sản thì phải hết năm nay, chúng ta có thể hy vọng nhiều ở nguồn vốn FDI, huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng cách này đang mất dần niềm tin từ nhà đầu tư nhỏ lẻ là người tiêu dùng.

Và cách có thể huy động được nguồn vốn nữa lúc này là cho thế chấp dự án tại các ngân hàng nước ngoài. Đây cũng là nguồn vốn lớn và dồi dào nhưng về chính sách chưa được tháo gỡ. Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong đó đầu tư vào bất động sản chiếm 20% tổng vốn FDI. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về chính sách nên việc đầu tư vẫn chưa thực sự dễ dàng.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản VN thì cho biết, việc lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản cũng là một công cụ cho thị trường vốn. Quỹ này sẽ huy động tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức cùng quan tâm đầu tư vào bất động sản tạo thu nhập. Quỹ Tín thác đầu tư bất động sản sử dụng tiền này để mua những tài sản bất động sản có chất lượng, thiết lập danh mục đầu tư bất động sản có quy mô và quản lý danh mục đầu tư này nhằm mục đích đầu tư dài hạn.

Quỹ Tín thác sẽ cho các chủ sở hữu DN bất động sản vay một khoản tín dụng nhất định. Tổng tiền thu được từ việc đầu tư này sẽ tạo ra một nguồn thu nhập dài hạn ổn định. Nguồn thu nhập này sẽ được phân bố trở lại cho các nhà đầu tư quỹ tín thác đầu tư bất động sản.

Nhiều dự án xây dựng dở dang, bỏ hoàng do thiếu vốn

Bà Nguyễn Thị Mùi – Đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam phân tích, có rất nhiều kênh huy động nguồn vốn cho bất động sản. Hiện nay, hầu hết các DN bất động sản có năng lực thấp, trong bối cảnh trầm lắng, bản thân DN phải xác định “sống” hay “chết”, nếu “sống” DN phải thay đổi cơ cấu, phân khúc, từ đó tạo niềm tin, bán sản phẩm bất động sản cho khách hàng, lúc đó sẽ có vốn. Thứ nữa là hợp tác, liên kết với các DN khác có vốn để phát triển dự án đang còn dở dang.

Kênh huy động vốn từ kiều hối cũng sẽ rất lớn, năm 2011, có khoảng 4,5 tỷ USD lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản. Thứ nữa là kênh huy động vốn nữa từ FDI, nhưng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản hiện đang giảm mạnh. Cuối cùng là nguồn tín dụng từ các ngân hàng, chiếm khoảng 80% vốn vay của các DN kinh doanh bất động sản. Bên cạnh nguồn vốn, các DN cần phải cấu trúc lại dòng tiền, nguồn vốn, tài sản để sử dụng hiệu quả hơn…

Nhiều ý kiến khác cho rằng, về mặt bằng giá bất động sản hiện nay vẫn quá cao so với giá trị thực và khả năng của đại đa số người dân. Hiện nay, thị trường nhà đất bị làm giá, mua đi bán lại qua nhiều cầu trung gian. Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi “bơm” thêm nguồn tài chính cho thị trường bất động sản vì có thể dẫn đến mất cân đối cung - cầu, đặc biệt là phân khúc nhà ở đang ở tình trạng thanh khoản kém.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet