Top

Bất động sản và những con số… giật mình

Cập nhật 17/01/2013 09:29

Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2012 trầm lắng không chỉ để lại hậu quả là hàng vạn doanh nghiệp báo lỗ, ngừng hoạt động, thậm chí là giải thể mà còn cả một lượng hàng tồn kho “khủng” và gánh nặng cho năm 2013…

Những ngày đen tối của thị trường


Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2013 của ngành xây dựng tại 63 tỉnh, thành diễn ra ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Hậu quả của thị trường bất động sản có nguyên nhân phát triển đô thị không đồng đều, thiếu bền vững; kiểm soát đô thị theo bề rộng, không căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển... Tình trạng trên dẫn đến việc thừa dự án, thiếu công trình hạ tầng kỹ thuật, thiếu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường”.
 

BĐS trầm lắng kéo theo hàng loạt hệ lụy ảnh hưởng tới xã hội (ảnh minh họa)


Giá BĐS năm 2012 sụt giảm ở tất cả các phân khúc. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài liên tiếp trong 3 năm (2009-2012).

Cho đến hết năm 2012, về giá trị giao dịch tại Hà Nội, qua báo cáo của 94 sàn, có 1.833 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 6.198,1 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, qua báo cáo của 129 sàn, có 4.015 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 11.049 tỷ đồng.

Ở Hà Nội, lượng hàng tồn kho là 2.392 căn hộ chung cư, 3.483 căn nhà thấp tầng. Con số này còn lạc quan hơn nhiều nếu so với 10.108 căn hộ chung cư, 1.131 căn nhà thấp tầng, 34.282m2 đất nền hiện đang tồn kho tại TP.HCM.

Không bán được hàng dẫn tới thiếu vốn và nợ đọng, hàng loạt doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS rơi vào cảnh khốn đốn, thậm chí là ngưng hoạt động, phá sản, còn người lao động thì bị nợ lương, không có việc làm…

Số liệu sơ bộ tính đến 31/12/2012, tổng số doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS có lãi là 37.197 doanh nghiệp (tăng hơn 10% so với năm 2011 là 33.362 doanh nghiệp), số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ là 17.000 doanh nghiệp (cũng tăng hơn 9% so với năm 2011 là 14.998 doanh nghiệp).

Tổng số các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh BĐS dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637 doanh nghiệp, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh BĐS. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh BĐS giải thể tăng 24,1%.

Năm 2013, lo nhà ở cho người nghèo


Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, năm 2013 vẫn tiếp tục là một năm nhiều khó khăn đối với ngành. Để tháo gỡ dần, công tác hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đã được ngành Xây dựng xác định là nhiệm vụ hàng đầu và trọng tâm là hướng tới việc lo nhà ở cho người nghèo.
 

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng trong năm 2013 là lo nhà ở cho người nghèo


Bộ trưởng cho biết, dự kiến trong thời gian từ nay đến trước Tết Nguyên đán, nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, nghị định về nhà ở xã hội sẽ được Chính phủ ban hành. Đây là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, góp phần làm ấm lại thị trường.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, nếu phát triển theo hướng này, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng phát triển vì hầu hết nhà ở xã hội đều sử dụng vật liệu trong nước. Và như vậy sẽ giải quyết được việc làm, người nghèo có nhà ở, đạt được cả mục tiêu kinh tế, xã hội và nhân văn.

Liên quan đến việc lo nhà ở cho người nghèo, tại hội nghị, đại diện Sở Xây dựng Quảng Nam cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng quan tâm, phối hợp với địa phương hướng dẫn các cơ quan và người dân trên địa bàn huyện Bắc Trà My sửa chữa các công trình công cộng, nhà ở bị hư hỏng do động đất và hướng dẫn xây dựng mới các công trình có khả năng kháng chấn trong vùng chịu tác động của động đất; Lập phương án hỗ trợ bằng tiền mặt trình Chính phủ phê duyệt để người dân tự sửa chữa, khắc phục trên cơ sở có sự giám sát, hướng dẫn sửa chữa của huyện Bắc Trà My.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng, đại diện nhiều Sở xây dựng đã đề nghị đối với các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước, yêu cầu bắt buộc phải do các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng thẩm định, kết quả thẩm định là cơ sở để chủ đầu tư phê duyệt.

Đại diện một số Sở cũng đề nghị Bộ Xây dựng, xem xét, xây dựng ban hành văn bản quy định cụ thể để quản lý các đơn vị tư vấn Khảo sát, thiết kế, giám sát chất lượng các công trình xây dựng..., gắn trách nhiệm các đơn vị tư vấn với công trình.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí