Nghị định (NĐ) 120 về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) có hiệu lực từ 1.3.2011, dù vậy đến giờ vẫn chưa tìm thấy lối ra cho những vướng mắc về cách tính tiền SDĐ sát giá thị trường theo quy định vốn đã khiến doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) than trời suốt từ năm 2009.
Tình hình này càng làm bức tranh BĐS thêm u ám, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng phi sản xuất như hiện nay.
Việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường sẽ góp phần đẩy giá bất động sản lên cao - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
"Thỏa thuận mua đất của dân với giá 4 triệu đồng/m2 và dự định bán 4,5 triệu đồng/m2. Song khi đóng tiền SDĐ thì cơ quan thuế đòi thu đến 4,5 triệu/m2, nên tôi chào thua" - Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty địa ốc An Thiên Lý |
Đất ở của dân cũng bị ách tắc
Theo NĐ 120, đối với trường hợp đất ở của dân, phần đất trong hạn mức thu theo bảng giá đất của nhà nước, còn phần đất ngoài hạn mức tính tiền SDĐ theo giá thị trường. Tại TP.HCM, các quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp) có hạn mức không quá 160m2; các quận mới 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và thị trấn (huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè) không quá 200m2; khu quy hoạch phát triển đô thị không quá 250m2; H.Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn không quá 300m2. Ông Nguyễn Đình Tấn - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết hiện TP có trên 2.000 hồ sơ của người dân bị ách tắc do có diện tích vượt hạn mức trong khi cơ quan thuế vẫn chưa có hướng dẫn cách xác định giá thị trường. "Nhiều hồ sơ chỉ vượt hạn mức vài m2 nhưng cũng phải ách lại chờ hướng dẫn. Cơ quan thuế đã kêu vấn đề này từ năm 2009 đến nay. Vấn đề không hẳn nằm ở chỗ cơ quan thuế thu được bao nhiêu tiền mà quan trọng là cần giải quyết sớm để giải tỏa vướng mắc để người dân có thể giao dịch", ông Tấn nói.
Bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết Sở đang dự thảo về cách tính tiền SDĐ đối với đất ngoài hạn mức, trong đó dự kiến phần ngoài hạn mức sẽ được tính giá gấp 3 - 4 lần bảng giá đất, tùy từng quận, huyện. Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến các sở ngành, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng hệ số điều chỉnh này quá cao sẽ gây khó khăn cho người dân.
Đầu tuần tới ban hành thông tư
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 29.6, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết:
“Cuối tuần qua tôi cùng đã làm việc với Cục Công sản và một số đơn vị chức năng khác, vấn đề khó khăn nhất hiện nay gây bức xúc dư luận chính là cách tính tiền SDĐ đối với diện tích vượt hạn mức. Theo quy định hiện nay, phần diện tích đất nằm trong hạn mức sẽ thu theo giá do UBND tỉnh, thành công bố hằng năm, đối với phần diện tích đất vượt hạn mức phải tính theo giá thị trường. Theo phản ánh của cục thuế các địa phương, chưa biết tính giá thị trường như thế nào, nên sắp tới thông tư hướng dẫn của Bộ sẽ theo hướng tính phần diện tích vượt hạn mức theo giá trị dự án (DA), mảnh đất đó. Ví dụ, tại TP.HCM, đối với các miếng đất có giá trị dưới 10 tỉ đồng (căn cứ trên mức giá UBND tỉnh quy định), mà có phần diện tích đất vượt hạn mức phải điều tiết theo giá thị trường sẽ không cần phải thuê đơn vị thẩm định giá (TĐG), không phải định giá theo hội đồng TĐG nữa mà giao cho Chủ tịch UBND TP quyết định theo hệ số từng khu vực. Đối với các tỉnh, thành khác giá đất thấp hơn có thể quy định ở mức 5 tỉ đồng.
Hướng trên theo tôi là phù hợp trong tình hình hiện nay, vì đối với những miếng đất bé, có giá trị không lớn sẽ không cần phải TĐG. Thực tế, hộ gia đình và cá nhân giả sử có mảnh đất cần chuyển nhượng vượt hạn mức 2-3 lần, quy ra giá đất TP quy định cũng khó có thể vượt qua 10 tỉ đồng được.
Còn lại, đối với DA có giá trị đất vượt trên 5 tỉ đồng hay 10 tỉ đồng vẫn phải chịu điều tiết theo giá thị trường, thông qua các đơn vị TĐG và hội đồng TĐG. Về cơ bản những ý kiến trên đã được chấp thuận và đưa vào dự thảo thông tư, chúng tôi đã hoàn tất thủ tục hành chính và chờ bộ trưởng ký ban hành vào đầu tuần tới”.
TS Hoàng Xuân Nghĩa - Phó trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội): Khó xác định theo giá thị trường
Thị trường BĐS VN đang bị méo mó, đầu cơ, giá bị đẩy lên quá cao và nhiều khi đó không phải là giá thị trường mà chính xác phải gọi là giá đầu cơ. Không ai biết được giá thật của BĐS, người nói cao, kẻ nói thấp nên việc định giá hiện cũng giống như câu chuyện "thầy bói xem voi". Chúng ta chưa có một hệ thống thu thập thông tin giá cả BĐS rộng khắp và kịp thời. Bên cạnh đó, thị trường nóng - lạnh bất thường, sau vài ngày giá có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi nên khó mà đưa ra khoảng thời gian giao dịch để làm căn cứ. Về lâu dài, cần xây dựng những cơ quan định giá độc lập và đáng tin cậy thì mới có đủ cơ sở dữ liệu để thu tiền SDĐ sát giá thị trường.
Ông Lê Thanh Khuyến - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT): Không thể định giá chính xác tuyệt đối
NĐ 123/2007 đã đề ra những phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Tuy nhiên, đây là những phương pháp định giá trong điều kiện bình thường, trong khi thực tế thị trường BĐS nước ta biến động liên tục nên cũng gây khó khăn nhất định. Chúng ta phải có hệ thống theo dõi thị trường, thường xuyên cập nhật mức giá chuyển nhượng thực tế để xây dựng cơ sở dữ liệu chính thức, từ đó định mức thu tiền SDĐ sát với thị trường nhất, tất nhiên không thể có con số chính xác tuyệt đối.
3 kịch bản cho thị trường bất động sản
Hôm qua 29.6, tại hội thảo Chính sách tài chính cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, việc siết chặt tín dụng đối với BĐS đã khiến thị trường trầm lắng, giá giảm, giao dịch đứng. Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trong ngắn hạn, sẽ có 3 kịch bản của thị trường BĐS, tương ứng với các điều kiện giả định.
Cụ thể, kịch bản thứ nhất, nếu chính sách không có gì thay đổi, tình hình kinh tế trong nước và thế giới không có biến động lớn, thị trường sẽ suy yếu dần và không có cơ hội phục hồi vì không được tiếp thêm nguồn vốn trong khi lãi vay ngân hàng quá lớn.
Kịch bản thứ hai, giả định rằng, chính sách không thay đổi (duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tiếp tục cắt giảm đầu tư công), lạm phát tiếp tục ở mức cao (trên 15%), thị trường BĐS sẽ lâm vào tình trạng đóng băng, các DA BĐS sẽ đình trệ, các DN BĐS sẽ rơi vào tình trạng khó khăn toàn diện, các nhà đầu tư thứ cấp phải thanh lý các DA đầu tư, thậm chí có DN, DA, nhà đầu tư bị phá sản.
Kịch bản thứ 3 tương đối tươi sáng nhưng khó xảy ra là chính sách tiền tệ được nới lỏng, văn bản pháp quy về thị trường thế chấp thứ cấp được ban hành, Quỹ đầu tư BĐS ra đời, văn bản pháp lý về quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS được ban hành, thị trường sẽ có những xung lực mới, tuy không bùng phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: