Top

Bất động sản TP.HCM: Vùng ven tăng giá nhờ tin... lên quận

Cập nhật 13/02/2017 09:09

Thông tin các huyện vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh có thể lên quận trong năm 2017 đã làm nóng thị trường bất động sản tại các địa bàn này.

Rầm rộ tăng giá


Thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016 khép lại bằng một cơn sốt bất động sản vùng ven sau khi có thông tin, lãnh đạo các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè có đề xuất nâng cấp lên quận gửi tới lãnh đạo UBND TP.HCM và đang chờ thông qua.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, dù chưa biết có được lên quận hay không, nhưng trên thị thường đã xuất hiện làn sóng đầu tư bất động sản vào các huyện này. Đơn cử, tại đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè) xuất hiện khá nhiều dự án bất động sản mới, như Dragon Hill, Nine South Estate, Park Vista, Sài Gòn South Residence, The Star Village, Dragon Parc, Phu Xuan Residence, Khu dân cư Phước Kiển - Nhà Bè…

Dự án Trung Sơn (huyện Bình Chánh) đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Gia Huy

Ở huyện Hóc Môn xuất hiện những dự án như Cheery 3 Apartment, Hóc Môn Plaza và các dự án khu dân cư tiêu biểu như Eco Town, Sophia Garden... Bên cạnh đó, đất thổ cư cũng được người dân rao bán rầm rộ.

Thực tế, giá đất tại các khu vực trên đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Khảo sát của Công ty TNHH Gachvang công bố ngày 10/12/2016 cho biết, cuối năm 2016, giá đất tại 3 huyện trên đã tăng tới 20% so với đầu năm. Trong đó, giá tăng mạnh nhất nằm ở những tuyến đường chính như đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển): tăng từ mức 24 triệu/m2 (cuối năm 2015) lên 36 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2016.

Theo giới đầu tư, sôi động nhất là huyện Bình Chánh, bởi huyện này được đánh giá là có cơ hội lên quận cao nhất. Trong đó, hệ thống giao thông đang là điểm sáng nhất hút nhà đầu tư bởi giao thông tại đây kết nối với các tuyến đường quan trọng đã hình thành, như Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 10 nối liền với Khu công nghiệp Đức Hòa (Long An); đường Nguyễn Văn Linh nối từ Quốc lộ 1A đến quận 7; đường Võ văn Kiệt nối từ Quốc lộ 1 qua sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai…

Chính vì vậy, giá đất tại đây tăng cao nhất và thu hút nhiều nhà đầu tư nhất, trong đó đa phần là nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài ra, những dự án như Trung Sơn, Camellia Garden, An Hạ Riverside, Khu dân cư Tây Sài Gòn, Đại Phúc Town, Việt Phú Garden… cũng rầm rộ thông tin mở bán, với giá dao động từ 20 triệu tới 40 triệu đồng/m2, tùy vào tuyến đường, vị trí...

Cẩn trọng với sốt ảo

Việc thị trường tăng theo tin đồn luôn diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhìn lại thị trường thời gian qua, có thể thấy, nhiều khu vực bất động sản tăng trưởng nhờ tin đồn, như tại khu Đông TP.HCM, sau khi có thông tin xây dựng Dự án Tuyến metro số 1, giá đất đã tăng vài chục lần, từ 10 triệu đồng/m2 năm 2012, lên mức cao nhất là 100 triệu đồng/m2 trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, mặt trái của tin đồn là việc nhà đầu cơ thứ cấp đổ bộ về đầu cơ và thổi giá đất lên cao, làm hỗn đoạn thị trường và gây khó cho người có nhu cầu mua ở thực.

Phân tích khả năng lên quận của 3 huyện nêu trên và việc thị trường bất động sản sốt nóng hiện nay, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc lên quận tùy thuộc vào thời điểm và nhiều yếu tố khác nhau để lãnh đạo TP.HCM chấp thuận, chứ không phải cứ xin là có thể lên quận.

Cũng theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu xét điều kiện lên quận (hạ tầng giao thông, mật độ đất nông nghiệp, thu nhập người dân, thu ngân sách…), thì huyện Bình Chánh có thể đạt đủ yêu cầu, trong khi 2 huyện còn lại tại thời điểm này khó có thể lên quận.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc nhà đầu tư dựa tin lên quận để phát triển dự án và thổi giá hiện nay là có. Giá thực thực tại các huyện này chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư và dưới 10 triệu/m2 đất nông nghiệp, nhưng giá đang được thổi lên rất cao và đa phần do giới đầu cơ thâu tóm.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, người mua bất động sản hiện nay cần xem xét kỹ việc bỏ tiền mua đất để ở trước thông tin lên quận tại các huyện này. “Việc người dân ở thực lại phải mất tiền cho nhà đầu cơ thứ cấp là hết sức vô lý. Thêm vào đó, việc thị trường lên xuống theo tin đồn cũng hết sức nguy hiểm cho thị trường, bởi việc phát triển rầm rộ dự án, mua đi bán lại liên tục dẫn tới lũng đoạn thị trường và có nguy cơ rơi vào tình trạng bong bóng như năm 2008. Vì vậy, chính quyền Thành phố cần có biện pháp cụ thể đối với vấn đề này”, ông Châu nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư