Top

Bất động sản thủ đô Hà Nội: Cạnh tranh Đông - Tây

Cập nhật 04/01/2010 11:35

Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, bất động sản ở khu phía Đông Hà Nội bắt đầu có sự trỗi dậy với hàng loạt các dự án lớn “bung” hàng.

Ảnh: Doanh Nhân


Chỉ trong một ngày trung tuần tháng 12/2009, đã có 2 dự án khu đô thị lớn ở phía Đông Hà Nội được khai trương.

Trước đó một ngày, một khu đô thị lớn khác ở bờ Bắc sông Hồng cũng được thành phố phê duyệt quy hoạch.

Bên ấm, bên lạnh

Trong nhiều năm gần đây, nói tới thị trường bất động sản ở Hà Nội, người ta hình dung ngay ra khu vực phía Tây thành phố với những cái tên quen thuộc như Trung Hòa-Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) hay Mỹ Đình (huyện Từ Liêm) hay gần đây là quận Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Đan Phượng...

Không cách trung tâm thành phố xa hơn khu phía Tây nhưng bị chặn bởi sông Hồng, khu Đông Hà Nội vẫn bị lép vế, bị coi là chậm phát triển, trong khi khu phía Tây tiến lên như vũ bão.

Thế nhưng, những động thái gần đây cho thấy, các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại với miền đất bị “lãng quên” một thời này.

Sau khi các đại gia bất động sản như Tập đoàn Nam Cường, Sông Đà Thăng Long... xả “hàng” ồ ạt, giá đất ở phía Tây Hà Nội được cho là đã lên tới “đỉnh”. Cùng với việc giá bắt đầu trượt xuống nửa bên kia của con dốc, tỷ lệ giao dịch thành công cũng giảm mạnh và thị trường gần như ngưng trệ.

Đây là hệ quả tất yếu khi các nhà đầu cơ đã đạt tới mức lợi nhuận kỳ vọng. Nhiều người cũng bắt đầu nhìn ra, nguồn cung trên thị trường bất động sản khu vực phía Tây, trong 1-2 năm tới, sẽ tăng mạnh nên cung-cầu trên thị trường dần được cân bằng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, giá vàng liên tục biến động theo xu thế đi xuống, bất động sản phía Tây sụt giá, giao dịch đình trệ... các nhà đầu tư tất yếu sẽ đổi hướng, tìm tới những “miền đất mới”. “Ứng cử viên” sáng giá cho dòng tiền đầu tư lúc này được cho là khu vực phía Đông thành phố.

Cùng với những cây cầu lớn vượt sông Hồng như Thanh Trì, Vĩnh Tuy vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng, hệ thống hạ tầng giao thông khu phía Đông được cải thiện rõ rệt.

Quan trọng hơn, khả năng tiếp cận khu trung tâm của miền đất nhiều năm “ngủ quên” trong tiềm thức của giới đầu tư này được rút ngắn tới mức đáng kinh ngạc, chỉ còn 20-25 phút thay vì chen chúc xếp hàng vào trung tâm qua cầu Chương Dương như trước đây.

Không phải tới lúc này, các nhà đầu tư lớn mới “đổ bộ” vào khu phía Đông. “Ngắm” kỹ quy hoạch Thủ đô, các đại gia bất động sản trong và ngoài nước như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội, Công ty Berjaya Leisure Ltd (Malaysia)... đã “đặt chỗ” từ lâu ở những vị trí đắc địa nhất thuộc khu phía Đông thành phố.

Những cái tên như Thạch Bàn Garden City, Khu đô thị mới Việt Hưng, Đặng Xá, Sài Đồng... lâu nay đã được người ta nhắc tới như những địa chỉ hấp dẫn đầu tư.

Chớp thời cơ?

Tháng 12/2009 có thể xem là thời điểm quan trọng, đánh dấu sự trở lại của khu vực phía Đông Hà Nội với hàng loạt sự kiện lớn. Ngày 16/12, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội công bố quy hoạch khu đô thị mới Nam Hồng (huyện Đông Anh) với diện tích lên tới 305ha.

Đây có thể sẽ là khu đô thị lớn nhất ở bờ Bắc sông Hồng trong tương lai. Chỉ sau đó 1 ngày, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Berjaya-Handico 12 đã tổ chức khai trương Khu đô thị The Pavillion-Thạch Bàn Garden City, quận Long Biên, Hà Nội.

Với tổng diện tích khoảng 32ha, khu đô thị này nằm dọc đường vành đai 3, nối với cầu Thanh Trì và khu vực phát triển mới của thành phố Hà Nội, cách khu trung tâm khoảng 8km.

Ngay sau lễ khai trương, chủ đầu tư cũng chớp thời cơ mở cửa bán khu chung cư Canal Park gồm hai tòa nhà 11 tầng và 1 tầng hầm với 148 căn hộ từ 2 đến 5 phòng ngủ với diện từ 86-227m2. Cũng trong sáng 17/12, khu nhà ở Green House nằm trong Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) đã được khởi công xây dựng.

Theo chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị), dự án gồm 2 tòa nhà chung cư 17 tầng, 2 tòa 14 tầng, 2 tòa 5 tầng; biệt thự song lập, nhà liền kề, nhà biệt thự. Dự kiến, trong quý IV/2012, Green House, mảnh ghép cuối cùng của Khu đô thị mới Việt Hưng, sẽ chính thức được đưa vào sử dụng.

Không chỉ có lợi thế nhất định về giao thông, hạ tầng, các khu đô thị phía Đông Hà Nội đang hấp dẫn nhờ mặt bằng giá hợp lý song vẫn phải đảm bảo “tạo ra một không gian sống lý tưởng cho cư dân với hạ tầng kĩ thuật hoàn hảo và đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống hiện đại”.

Ông Ken Ng, Giám đốc dự án The Pavillion-Thạch Bàn Garden City nói: “Muốn thu hút người dân tới sống ở những khu vực ngoài trung tâm thành phố, chúng tôi ý thức được phải có được những sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh...”

Cũng theo ông Ken Ng, đối tượng khách hàng mà các dự án này hướng tới là tầng lớp người Việt thu nhập trung bình và trên trung bình. Đây là tầng lớp hiện có tốc độ phát triển nhanh nhất và luôn hứng thú tìm kiếm những dự án có chất lượng.

Những nỗ lực không ngừng của chính quyền để cải thiện hạ tầng đã giúp các dự án lớn ở khu phía Đông có “tiếng tăm” trở lại.

Song, thực địa ở các khu đô thị mới này mới thấy, hạ tầng vẫn là điểm yếu cố hữu chưa dễ gì khắc phục ở khu vực khao khát phát triển này. Ai đã tới khu đô thị với Việt Hưng (Long Biên) hẳn sẽ cảm thấy rất dễ chịu, hài lòng với không gian thoáng đãng, tràn ngập màu xanh của khu này.

Thế nhưng, vừa “ló” mặt ra đường, nạn kẹt xe lập tức khiến nhiều người trở nên… cáu bẳn. Trục giao thông chính nối Việt Hưng với trung tâm thành phố, tuyến Ngô Gia Tự-Nguyễn Văn Cừ, nhiều năm qua vẫn đầy vướng mắc, triển khai với tiến độ rùa!

Tương tự, ở Thạch Bàn Garden City, dù nằm ngay chân cầu Thanh Trì, giao thông có vẻ “ổn” nhưng hệ thống hạ tầng xã hội của khu đô thị này hầu như chưa có gì.

Để ăn sáng, từ khu này, người ta sẽ phải đi tới một xóm nhỏ của phường Thạch Bàn nằm cách đó hơn 1km. Nơi này cũng mới “lên phường” được vài năm nên cả xóm chỉ có vài cửa hàng tạp hóa, duy nhất một hàng phở nhỏ, không có hàng cafe, không tiệm Internet...

Rõ ràng, chấp nhận đầu tư vào các khu đô thị này, người ta sẽ phải xem đây là các khoản đầu tư dài hạn cho tương lai chứ không thể mua-bán kiểu chụp giật, lướt “sóng” như ở khu phía Tây.

Ở đây, hấp lực của khu phía Đông đã xuất hiện, nhưng vẫn còn yếu hơn nhiều so với khu phía Tây. Cán cân của thị trường vẫn lệch hẳn về một phía.

Sự thua kém về hạ tầng và vị thế phát triển rõ ràng cần thêm rất nhiều thời gian, tiền bạc cũng như những quyết tâm của cả nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền mới có thể từ từ rút ngắn lại.


DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân