Top

Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh giảm khó từng phần

Cập nhật 31/01/2013 11:27

Theo TS. Trần Du Lịch, nếu thực hiện triệt để Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với khá nhiều giải pháp để phá băng thị trường BĐS thì nhiều khả năng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng sẽ bắt đầu phục hồi tốt vào cuối năm 2013.

Theo ông Nguyễn Văn Danh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, thành phố đang bắt tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) theo lộ trình “làm ấm” từng phần, dựa vào đặc thù của từng phân khúc. Qua đó tạo tác động lan tỏa, chứ không thể làm nóng ngay thị trường trong năm 2013.

Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường. Đối với các dự án nhà chung cư đã xây dựng xong, chưa bán, chủ đầu tư được phép lập phương án điều chỉnh lại diện tích căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thứ hai, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai thì cho phép điều chỉnh quy hoạch để tăng tỷ trọng nhà ở xã hội phục vụ người nghèo, công nhân, người có thu nhập thấp… Những trường hợp chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.
Image

Nhiều dự án nhà ở thương mại đang xin chuyển thành nhà ở xã hội

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, TP. Hồ Chí Minh như nền kinh tế đầu tàu của cả nước, mọi mô hình mới Bộ đều mang vào áp dụng tại đây để thí điểm và TP. Hồ Chí Minh đã làm được.

Trong năm 2012, thành phố đã có nhiều giải pháp mới, mang tính đột phá góp phần cải thiện tình hình thị trường và giải quyết được nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội, nhà tái định cư phục vụ cho các dự án công ích trọng điểm của thành phố. Cụ thể, thành phố đã mua lại quỹ nhà ở thương mại có diện tích phù hợp làm nhà ở xã hội, nhà tái định cư với 500 căn nhà ở xã hội trị giá khoảng 340 tỷ đồng và 15.441 căn hộ chung cư, nền đất với giá trị 9.552 tỷ đồng để bố trí tái định cư cho các dự án trọng điểm của thành phố.

Song song đó, để tạo điều kiện cho cán bộ công chức mua nhà, thành phố đã chủ trương cho vay tối đa 400 triệu đồng/trường hợp với lãi suất 7,5%/năm, thời gian vay tối đa 15 năm. Tính đến nay, đã có 1.152 trường hợp vay với tổng số tiền đã giải ngân là 347,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân mua nhà và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 9/2013.

TS. Trần Du Lịch nhận định, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đề ra khá nhiều giải pháp để phá băng thị trường BĐS. Từ cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua và làm các công trình dịch vụ như bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại đang có nhu cầu (nhưng phải phù hợp quy hoạch).

Về nguồn vốn, Chính phủ yêu cầu phía ngân hàng dành lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… vay để thuê, mua nhà ở xã hội và thuê mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Bởi vậy, thực hiện triệt để Nghị quyết này thì nhiều khả năng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng sẽ bắt đầu phục hồi tốt vào cuối năm 2013.

Việc làm ấm thị trường từng phân khúc hiện cụ thể hóa bằng loại nhà phổ thông dưới 1 tỷ đồng và mọi chính sách đều nên hướng vào đây. Cũng tại phân khúc này, cả nhà đầu tư và người mua đều có hy vọng. Còn các kênh khác như biệt thự, căn hộ cao cấp thì tự thân DN phải điều chỉnh theo xu hướng thị trường.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, còn một vấn đề mà Hiệp hội quan tâm và đang đề nghị Bộ ngành chức năng xem xét. Đó là cho người nước ngoài mua nhà ở phân khúc căn hộ cao cấp. Việc này không ảnh hưởng đến các phân khúc khác của thị trường và tương tự xuất khẩu tại chỗ. Mở hướng giảm bớt khó khăn cho các thị trường liên quan như tiêu thụ vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, tăng việc làm cho người lao động...

DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Ngân Hàng