Top

Bất động sản lợi nhuận đột biến

Cập nhật 29/10/2009 11:25

Dù mới chỉ có một số ít công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý III nhưng đa phần kết quả sản xuất, kinh doanh hết sức ấn tượng, hơn nhiều so với quý II. Trong đó, nổi bật về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận là nhóm ngành bất động sản.

Tuy mới đi được 3/4 quãng đường nhưng lợi nhuận mà các doanh nghiệp này công bố đều vượt xa kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2009.

Ngành bất động sản: lợi nhuận đột biến

Thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu ấm lên khiến phần nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này được hưởng lợi. Điển hình như Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH), lợi nhuận quý III đã đạt hơn 56 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần so với lợi nhuận quý II. Một số đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực khác nhưng có “dính dáng” đến bất động sản cũng được “ăn theo”, như Công ty CP thủy sản số 4 (TS4) có lợi nhuận quý III tăng gần 240% so với quý II nhờ kinh doanh căn hộ.
 

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.


Trước đó, nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh ngoài mong đợi như Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC): 44,5 tỷ đồng, tăng 137% so với quý II; Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), lợi nhuận quý III tăng 139% so với quý II; Công ty CP thủy sản Bến Tre (ABT) tăng hơn 92%...

Theo thống kê của Công ty CP truyền thông tài chính StoxPlus (www.stox.vn), 10 doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận lớn nhất quý III vẫn rơi vào những “tên tuổi” thuộc nhóm ngành tài chính, bất động sản như ACB, VNM… và ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ cao nhất là bất động sản: 355%. 10 doanh nghiệp có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao nhất có một số tên tuổi quen thuộc như DRC, VIS, những doanh nghiệp đã được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách kích cầu và hỗ trợ lãi suất.

Giá hai cổ phiếu này giá đã tăng mạnh (DRC đã tăng 400% trong vòng bốn tháng qua và VIS là 450%). Theo nhận định của StoxPlus, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý IV được duy trì tốt như tốc độ ba quý đầu năm thì DRC và VIS vẫn là hai cổ phiếu hấp dẫn. Một số ngành khác cũng có tốc độ tăng trưởng cao như xây dựng và vật liệu xây dựng: 128,7%, thực phẩm và đồ uống: 103%.

Với kết quả hết sức ấn tượng này, đã có không ít doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2009 chỉ sau 9 tháng như Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) đạt 120,7% kế hoạch năm, Công ty CP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC) đạt 112,3% kế hoạch năm, Công ty CP Xây dựng số 5 (SC5) đạt 116,7% kế hoạch năm, Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng (DIG) đạt 125% kế hoạch năm, Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) đạt 134% kế hoạch năm...

Vẫn phải thận trọng

Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, dù kết quả kinh doanh quý III chưa được công bố hết nhưng bức tranh lợi nhuận cuối năm là khá sáng sủa. Các doanh nghiệp trong ngành thép, nhựa tiếp tục có tăng trưởng cao nhờ nguồn nhiên liệu giá rẻ được nhập trong hai quý đầu năm. Thời điểm cuối năm cũng là mùa cao điểm trong hoạt động xuất khẩu, do đó lợi nhuận của các công ty trong ngành thủy sản, xuất khẩu gỗ có khả năng tăng trưởng đột biến. Đối với các công ty thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng, lợi nhuận có thể tăng cao do các công ty sẽ bắt đầu hạch toán các khoản lợi nhuận chưa được ghi nhận trong các quý trước.

Trên thực tế, hiện tượng doanh nghiệp có đạt lợi nhuận cao nhờ hoàn nhập lợi nhuận nhờ giá cổ phiếu tăng không còn nhiều như thời gian trước.

Tuy nhiên, theo dự báo của StoxPlus, kết quả kinh doanh của một số DN quý IV sẽ không cao như quý III, khi lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động bất thường. Chẳng hạn như KDC có 251 tỷ đồng lợi nhuận là thu được từ việc đánh giá lại khu đất. Mặt khác, quý IV, các doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản đầu tư, các khoản vay để thực hiện trích lập dự phòng và hoạt động trích lập dự phòng có thể sẽ là khoản mục lớn nhất ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành tài chính, ngân hàng.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán SJC, khuyến nghị: nhà đầu tư vẫn phải thận trọng trước khi mua vào cổ phiếu của các doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao. Phải nhìn đến triển vọng thu nhập tương lai, nếu chỉ vì thấy lợi nhuận đột biến nhất thời mà nhảy vào tranh mua, đẩy giá cổ phiếu lên cao có thể thua lỗ đậm. Riêng các cổ phiếu đang suy giảm lợi nhuận, cần phải biết định giá với các chỉ số dự phòng cho năm tới bằng cách phân tích ngành nghề kinh doanh và những tác động tích cực lẫn tiêu cực từ kinh tế trong và ngoài nước đến doanh nghiệp đó.

Đến ngày 26/10, đã có 148 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả lợi nhuận (35,8%), trong đó có 101 đơn vị công bố kết quả chính thức. Tổng lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp này là khoảng 5.237 tỷ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16% so với quý trước. Số doanh nghiệp niêm yết này chiếm 31,9% vốn hóa của thị trường. (nguồn: stox.vn)


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt