Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết sẽ kích thích nhu cầu thuê nhà xưởng, văn phòng, mặt bằng bán lẻ, căn hộ dịch vụ, nhà ở.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam, Stephen Wyatt đánh giá TPP sẽ tạo động lực thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong tương lai, với lợi thế năng suất lao động cao và chi phí nhân công thấp. Điều này đồng nghĩa ngày càng nhiều các công ty và doanh nghiệp mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, nhiều khả năng đến từ các công ty và doanh nghiệp đang có mặt tại thị trường Trung Quốc.
Theo ông Stephen Wyatt, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi viễn cảnh này được hiện thực hóa, đặc biệt ở các phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và kho vận. Với một lượng lớn các công ty sản xuất sẽ thành lập nhà xưởng sản xuất mới, các khu công nghiệp Việt Nam có cơ hội thu hút được nhiều khách thuê từ các nước châu Á khác. Các nhà máy, xưởng sản xuất này nhiều khả năng sẽ được thu hẹp tại các nước sở tại, hoặc dịch chuyển từ một số thị trường khác về Việt Nam.
Ngoài ra, nhu cầu ở những phân khúc: văn phòng cho thuê, nhà ở và mặt bằng bán lẻ cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Nguồn cầu đến từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước thành lập mới, số lượng nhân công mới và sức mua gia tăng trên diện rộng.
Chuyên gia này nhận xét, quá trình đám phán Hiệp định TPP đã kéo dài đến hơn 5 năm và ngay khi thỏa thuận được thông qua, chính phủ mỗi quốc gia tham gia Hiệp định vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để chính thức áp dụng lên nền kinh tế của họ. "Thời gian đầu hiệu ứng tích cực sẽ đến chậm. Tuy nhiên, những tác động mạnh mẽ của TPP đến thị trường bất động sản Việt Nam sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong vòng 5 năm tới", lãnh đạo Jones Lang LaSale nhận định.
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ đón cú hích tích cực từ TPP. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, Troy Griffiths tin rằng TPP sẽ không tác động nhanh chóng vào thị trường bất động sản Việt Nam trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, một số phân khúc bất động sản: hậu cần (nhà xưởng, kho bãi), văn phòng, mặt bằng bán lẻ và căn hộ dịch vụ cho thuê sẽ đón nhận nhiều chuyển biến khả quan.
Theo ông Troy Griffiths, trước mắt nhu cầu tìm mặt bằng sản xuất, đặt trụ sở, bán buôn của các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẽ tăng lên. Kế đến là phát sinh nhu cầu chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài và sau nữa là nhu cầu nhà ở của người dân cũng được nâng cao.
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Cushman & Wakefield Việt Nam, Jonathan Tizzard cũng tỏ ra lạc quan với viễn cảnh hứa hẹn mà TPP sẽ mang lại cho thị trường bất động sản.
Chuyên gia này dự báo, đầu tiên, quỹ đất dành cho ngành công nghiệp chắc chắn sẽ tăng lên để duy trì sự tăng trưởng và thêm nhiều lựa chọn cho những nhà sản xuất và các công ty logistic. Dòng vốn đầu tư liên tục đổ vào ngành sản xuất và chế biến sẽ tạo ra nhu cầu đối với các loại hình bất động sản khác chứ không chỉ khu công nghiệp.
Kế đến, việc các công ty, doanh nghiệp nước ngoài thành lập mới hoặc mở rộng tại Việt Nam sẽ mang đến một số lượng ngày càng nhiều các chuyên gia nước ngoài, cộng với luật cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản sẽ giúp cho phân phúc nhà ở (mua hoặc thuê căn hộ) hoạt đông tích cực hơn nữa.
Thêm nữa, các doanh nghiệp thành lập mới hoặc mở rộng cũng đồng thời phát sinh nhu cầu đối với mặt bằng văn phòng ở khu trung tâm thành phố. Tuy nhiên, tác động đối với những phân khúc này sẽ không xảy ra ngay mà cần thời gian nhất định mới kiểm chứng được.
Hiện nay, thị trường nhà ở hoạt động tốt nên sẽ khó để phân biệt rõ đâu là do hiệu ứng từ TPP mang lại, đâu là do niềm tin thị trường đang tăng lên. Vì vậy, thị trường khu công nghiệp và văn phòng mới là các phân khúc sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ TPP, và điều này sẽ được nhận thấy một cách dễ dàng.
"TPP chắc chắn cũng tác động đến bán lẻ và gia tăng nhu cầu tìm mặt bằng bán lẻ trong thời gian tới", ông Jonathan Tizzard khẳng định. Một số mặt hàng bán lẻ, đặc biệt là những loại được nhập khẩu, nhờ TPP sẽ được miễn hoặc giảm thuế nên có giá rẻ hơn, kích thích sức mua tăng lên. Nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà người lao động nước ngoài và người dân trong nước với thu nhập tăng lên sẽ đòi hỏi một thị trường bán lẻ ở trình độ cao hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cushman & Wakefield cảnh báo thêm, TPP cũng đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước bài toán “tồn tại hay là chết”. Các nhà bán lẻ trong nước không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải nỗ lực lớn mạnh để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài từ lâu đã xem Việt Nam là một thị trường hấp dẫn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: