Top

Bất động sản du lịch: Resort thắng lớn

Cập nhật 28/11/2013 13:08

Những nhà đầu tư vào du lịch biển hạng sang khu vực Đà Nẵng đến Nha Trang có thể xoa tay mừng vì chiến lược đầu tư đúng hướng của họ nay đã mang về "vàng khối".

Ảnh minh họa

Biểu đồ mức doanh thu phòng bình quân của các resort 4 - 5 sao ven biển liên tục tăng trong năm 2012 và tăng vọt trong năm 2013. Ông Adam Bury, Phó giám đốc Thị trường vốn của Công ty CBRE cho biết, năm 2013 có diễn biến khá bất ngờ là bình quân giá phòng và công suất phòng của các khách sạn 5 sao ven biển tại Đà Nẵng cao hơn hẳn TP.HCM và Hà Nội, và hiện tại bình quân giá phòng khách sạn 5 sao ven biển Đà Nẵng - Hội An đang đạt mức cao nhất tại Việt Nam, có mức tăng thêm 3,6% trong năm 2013.

Với 3.800 phòng hạng 4 - 5 sao, công suất phòng luôn ở mức 70 - 80% là kết quả khá bất ngờ trong mắt các nhà đầu tư bi quan vì tình hình kinh tế khó khăn.

Những thay đổi lớn đã tạo nên "thương hiệu" mới cho khu vực này trên bản đồ du lịch Việt Nam. Mới đây người ta chứng kiến cảnh chuyên cơ các tỉ phú của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đổ xuống sân bay Đà Nẵng để dự hội nghị tài chính thế giới.

Địa điểm được lựa chọn tổ chức hội nghị là một resort nổi tiếng tại bán đảo Sơn Trà với 4 ngày đêm phục vụ hơn 100 khách VIP hàng đầu thế giới tài chính, chính khách và các nhà báo quốc tế.

Đây là dấu son cho du lịch MICE của Đà Nẵng, tạo thương hiệu và lọt vào mắt các nhà tổ chức sự kiện quốc tế như một thành phố du lịch có một hệ thống dịch vụ được chuẩn hóa: cảng và nhà ga hàng không có dịch vụ không lưu và mặt đất chuẩn, sân bay có 47 chuyến bay quốc tế và 247 chuyến bay nội địa/tuần; các khu nghỉ dưỡng ven biển được đầu tư nhiều biệt thự sang trọng có các tập đoàn du lịch nước ngoài quản lý, khai thác, nhiều đầu bếp từng được phong danh hiệu Vua bếp trong ngành ẩm thực châu Âu, nhiều sân golf kề cận, dịch vụ taxi trực thăng ngắm cảnh luôn sẵn sàng.

Đầu tư nhiều cho khách du lịch MICE là hướng đi tập trung của các resort ven biển trong tình hình khó khăn kéo dài về thị trường du lịch thế giới. Các hội nghị của tổ chức quốc tế, tập đoàn đa quốc gia là "mối hàng" được chào mời bằng các chính sách đặc biệt về dịch vụ để lôi kéo.

Ở khu vực này, các resort và khách sạn 4 - 5 sao đã chung tay lập hiệp hội du lịch biển liên kết quảng bá, kéo các hội nghị lớn, các giải thi đấu golf quốc tế mỗi cuối tuần.

Trong lúc đó, các khách sạn từ cao cấp đến bình dân tại trung tâm thành phố rất chật vật tìm cách tồn tại. Biểu đồ của CBRE đưa ra hình sin giá phòng và công suất sử dụng khách sạn 4 - 5 sao ở trung tâm thành phố Đà Nẵng tiếp đà chúc đầu xuống liên tục trong 3 năm liên tiếp, với công suất phòng từ 20 - 40%.

Mức giá phòng khách sạn 4 - 5 sao tại trung tâm thành phố thấp đến mức khó tin. Các dịch vụ ẩm thực, cà phê có giá ngang với các nhà hàng hạng trung.

Cạnh tranh của khách sạn trong phố rất khốc liệt khi nguồn cung toàn thị trường tăng xấp xỉ 1.000 phòng/năm hạng 3 - 5 sao. Hàng trăm khách sạn 1-2 sao do các nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng xây dựng nhanh chóng mọc lên trong 3 năm qua dọc tuyến cận biển và trung tâm.

Mới đây Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Đà Nẵng đã lên tiếng báo động về hiện tượng cung đã vượt cầu ở phân khúc khách sạn 1-2 sao, khuyến cáo các nhà đầu tư thiếu định hướng nên dừng các dự án khách sạn nhỏ.

Một chủ khách sạn nhỏ trên phố cận biển cho biết, loại khách sạn này hoàn toàn vắng khách từ tháng 9 đến hết tháng 4, nên nguồn thu từ khách mùa hè không đủ trang trải nếu nguồn vốn đầu tư phần lớn vay từ ngân hàng.

Cũng có nhà tư vấn phán đoán đây là thời điểm tốt để mua rẻ các khách sạn 1 - 2 sao trong phố, do các ông chủ không chịu nổi lãi vay và chi phí, phải bán tháo!

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn