Top

Bất động sản công nghiệp có thực sự khởi sắc sau dịch COVID-19?

Cập nhật 30/06/2020 09:10

Theo đánh giá, thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam đang trở nên sôi động khi thu hút nhiều nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế. Tuy cơ hội lớn nhưng chất lượng quản lý khu công nghiệp KCN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Nguồn cầu bất động sản công nghiệp tăng mạnh


Chia sẻ tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần 2 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản công nghiệp (BĐS công nghiệp) Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn chung và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế.

Trong làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, nhu cầu bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.

“Việt Nam đang nổi lên như là một nền kinh tế có triển vọng hồi phục đầy tích cực sau đại dịch COVID-19, môi trường kinh doanh cải thiện tích cực và trở thành điểm đến an toàn của thế giới, nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, thị trường BĐS công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất và dự báo sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt nhất cả trong ngắn, trung và dài hạn”, ông Hà nhận định.

Đồng quan điểm, lãnh đạo của Savills cho biết, Việt Nam đang được đánh giá là sự lựa chọn lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ chi phí ở mức hấp dẫn, cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng và các chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ.

Tnh đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy gần 76% và 75 khu đang xây dựng (theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế-Bộ Kế hoạch và Ðầu tư).

Theo lãnh đạo Savills, thị trường BĐS công nghiệp trong nước đang chứng kiến nguồn cầu gia tăng do các tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc và chọn Việt Nam là điểm đến thay thế. Nguồn cầu này tăng đặc biệt khi có đại dịch COVID-19 xuất hiện và Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, năm 2020, thị trường bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều lợi thế khi nền kinh tế phát triển ổn định, Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại, và sự xuất hiện liên tục của các chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Chính phủ đối với các nhà đầu tư.

“Nguồn cầu về BĐS công nghiệp tại Việt Nam vẫn luôn có. Nhưng dịch COVID-19 và việc kiểm soát dịch bệnh thành công của Việt Nam là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng mạnh vào thị trường trong nước", lãnh đạo Savills cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Savills, hiện các nhà đầu tư trong khu vực đang rất muốn gia nhập vào thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. "Chúng tôi đang làm việc với một số nhà đầu tư đến từ châu Á - Thái Bình Dương, Úc, Anh và Mỹ... Sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư khu vực và quốc tế đã khẳng định tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường Việt Nam tại lĩnh vực BĐS công nghiệp”, vị này nhấn mạnh.

Bất động sản công nghiệp "dọn tổ đón đại bàng"

Tuy nhiên, theo các chuyên gia bên cạnh cơ hội, thị trường BĐS công nghiệp nước ra cũng đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó là cơ chế chính sách và thủ tục hành chính.
BĐS khu công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, cơ hội đón dòng vốn FDI dịch chuyển đã xuất hiện trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi có đại dịch thì xu hướng này càng trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, cơ hội rất lớn nhưng một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nắm bắt được?

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, chất lượng quản lý khu công nghiệp KCN ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp", thiếu chất thị trường. Thủ tục hành chính quản lý các KCN vẫn còn nặng nề,...

Trong khi đó, việc quản lý chặt là để thúc đẩy phát triển nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các KCN càng teo lại. "Việt Nam cần thay đổi cách thức quản lý, cần có qui hoạch bởi nếu không thay đổi sẽ bị lệch về tư duy so với các nhà đầu tư nước ngoài vào khi vào Việt Nam", GS. Đặng Hùng Võ nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, thế giới đã chuyển sang khái niệm KCN sinh thái. Nhiều người hiểu sinh thái là đảm bảo yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển. Nhưng thực tế là KCN sinh thái nghĩa là KCN được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái, có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững.

Một chuyên gia khác cho rằng, BĐS khu công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”, đây là thời cơ chuẩn bị tốt để Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư lớn, cần làm tốt được khâu phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, nên cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng, các chủ đầu tư chuẩn bị được quỹ đất sạch một cách nhanh nhất.

“Ðể giải quyết được vấn đề này, cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính nhằm giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, từ đó mới có thể tận dụng triệt để các cơ hội”, vị chuyên gia này chia sẻ.

DiaOcOnline.vn – Theo Tiền phong