Với số lượng hàng trăm dự án bất động sản còn đắp chiếu trên cả nước, cơ hội cho thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án được hứa hẹn sẽ sôi động.
Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng Keangnam andmark 72 Hà Nội đã về tay một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là CTCK Mirae Asset. Ảnh: Dũng Minh.
|
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia về thị trường bất động sản đưa ra về thị trường M&A bất động sản trong năm 2016. Tuy nhiên, năm nay các "tay chơi ngoại" sẽ trở nên mạnh bạo hơn do chính sách đã khá rõ ràng.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam cho rằng, sự “thẩm thấu” từ các chính sách cởi trói về sở hữu và kinh doanh bất động sản đối với người nước ngoài là cơ sở để nhà đầu tư nước ngoài tăng cường rót vốn vào địa ốc Việt Nam.
Hai sắc luật quan trọng là Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực, cùng hàng loạt các văn bản hướng dẫn đã được ban hành, giúp nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy yên tâm hơn khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan đã rơi vào tình trạng giảm sụt rõ rệt về độ hấp dẫn.
“Vốn ngoại đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ phát triển theo chiều hướng tốt sau một thời gian dài trầm lắng, với lượng vốn đáng kể từ một số quỹ đầu tư vào thị trường. Chiến lược đầu tư lần này chủ yếu thông qua các thương vụ M&A”, ông Stephen cho biết.
Đồng quan điểm, ông Winfield K Wong, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng toàn cầu, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đang nhận được sự quan tâm cao từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Hoa Kỳ, dự báo con số này sẽ tăng trong vòng 2 - 3 năm tới đây. Hiện nay, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chọn hình thức liên doanh hoặc mua lại các công ty trong nước để nhanh chóng tiến vào thị trường hơn là bắt đầu từ con số 0.
Cách thức này giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng được nguồn sản phẩm, dịch vụ, quy trình sản suất, hệ thống phân phối… tốt từ đối tác trong nước. Ngoài ra, họ còn tận dụng được nguồn nhân lực sẵn có, vốn am hiểu thị trường trong nước, từ đó giá trị sản phẩm và thương hiệu được nâng tầm.
Tương tự, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, xu hướng gia nhập của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay không phải là đầu tư mới, mà chủ yếu là thông qua việc mua lại các dự án đang xây dựng dở dang. Lý do đến từ việc mua lại dự án đã có sẽ giảm bớt rủi ro, đặc biệt là khâu thủ tục cấp phép đầu tư, vì khâu này mất thời gian, phiền phức, nhiêu khê…
“Đầu tư bất động sản tại các thị trường mới nổi rất hấp dẫn, nên thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn. Tuy nhiên, các thị trường này cũng luôn được coi là địa chỉ đầu tư có rủi ro cao, nên các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn hình thức kết hợp với nhà đầu tư trong nước có nhu cầu hỗ trợ vốn - nhằm có một chỗ đứng trước tại thị trường sẽ trải nghiệm sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong tương lai khi nền kinh tế các thị trường này tăng nhanh. Cách thức này vẫn đảm bảo cho họ sự hiện diện tên tuổi của mình như một dự án đầu tư toàn bộ ban đầu từ A đến Z”, ông Stephen Wyatt cho biết thêm.
Ngoài các thương vụ chuyển nhượng dự án hình thành trong tương lai, trong những tháng đầu năm, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chứng kiến nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản đã đi vào hoạt động, trong đó có nhiều thương vụ có dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài như Keppel nhận chuyển nhượng 40% Dự án Empire City tại quận 2, TP. HCM với tổng giá trị khoảng 93,9 triệu USD; CTCK Mirae Asset (Hàn Quốc) đầu tư 500 tỷ Won để mua lại Tòa tháp Keangnam Landmark 72 Hà Nội.
Hay các vụ chuyển nhượng ở các dự án khác như Tòa nhà A&B Tower (TP. HCM), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), Tòa nhà văn phòng TNT Tower (Hà Nội), Khu Resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: