Top

“Bắt bệnh” siêu đô thị TPHCM

Cập nhật 17/03/2012 08:35

Nhiều dòng kênh, đất công viên cây xanh dần biến mất thay bằng các dự án; một phần diện tích đất sân bay chuyển mục đích sử dụng thành sân golf… là những bất cập trong quy hoạch đô thị TPHCM

Ngày 16-3, UBND TPHCM phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch xây dựng TPHCM với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển kinh tế-xã hội”. Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng cần nhìn TPHCM là vùng trọng điểm phía Nam, tức là không chỉ kết nối với các địa phương lân cận mà còn cáng đáng cả vùng ĐBSCL. Thế nhưng, quy hoạch và công tác quản lý quy hoạch siêu đô thị tương lai này còn quá nhiều bất cập.

Đừng đối đầu với nước

Một trong những vấn đề nan giải của TP hiện nay là ngập lụt với nguyên nhân cơ bản từng được đưa ra là do địa hình thấp và tác động của BĐKH. Thế nhưng, khá nhiều nghiên cứu đã chứng minh nguyên nhân thực sự chính là quá trình đô thị hóa thiếu hợp lý, còn BĐKH chỉ làm thêm trầm trọng hóa vấn đề. Tuy nhiên, nếu không khắc phục và quản lý được vấn đề này, BĐKH với nước biển dâng thực sự sẽ cực kỳ nghiêm trọng.

San lấp tại rạch Tân Cảng, quận Bình Thạnh - TPHCM

TS - KTS Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng), chứng minh: Dù đã đầu tư hơn 1 tỉ USD cho 4 dự án thoát nước lớn nhưng số điểm ngập của TP chỉ… giảm ở trung tâm và gia tăng ở ngoại vi, BĐKH cục bộ do địa phương gây ra chứ không phải tác động toàn cầu.

Bên cạnh đó, 75% điểm ngập đều có cao độ trên 2,5 m, điều này có nghĩa phần lớn các khu vực không bị ngập bởi địa hình thấp hay sự lên xuống của triều cường. Quá trình đô thị hóa 14 năm trở lại đây đã “xóa sổ” 47 con kênh làm mất đi 24 ha diện tích mặt nước, khả năng điều tiết nước của hệ thống kênh rạch giảm gần 10 lần, diện tích bê tông hóa tăng nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số: tăng 30,5% trong vòng 17 năm, vì thế khả năng thấm tự nhiên của đất từ 50% giảm xuống còn 15%.

Các dự án chống ngập của TP như hệ thống đê, cống ngăn triều… đều có tính “chống lại nước” nên không thành công, trong khi các nước trên thế giới hiện đang sống chung với nước và bảo vệ nước. Ví dụ như Hà Lan là một nước từng có khá nhiều hệ thống đê bao nhưng trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng, nước này đang có một sự chuyển biến quan trọng: phá bỏ hệ thống đê bao để sống chung với nước.

GS-TS Lê Hồng Kế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và Quy hoạch phát triển bền vững, chỉ ra một bất cập khác trong quy hoạch xây dựng. Trong phương án san nền và thoát nước do Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM thực hiện, sự BĐKH chưa là điều kiện bắt buộc để đưa vào tính toán trong đồ án. Cụ thể, khu vực tả ngạn sông Nhà Bè - Soài Rạp phản ánh rõ nét những ảnh hưởng của BĐKH nhưng chưa có những giải pháp cụ thể.

GS-TS Kế cũng lo lắng về dự án đường cao tốc đi qua khu sinh quyển về đa dạng sinh học thế giới Cần Giờ. “Trên thế giới, khu sinh quyển chỉ có đường quanh co, dân dã, tuyệt đối không thể có đường cao tốc đi qua” - GS-TS Kế nhấn mạnh và đề xuất TP nên nâng cao độ cục bộ theo quy hoạch chung lên 10- 20 cm so với chuẩn cho phép, đồng thời khoanh vùng đánh giá và xác định vùng trũng tạo thành các hồ chứa, vừa có thể khắc phục lũ vừa cải thiện cảnh quan, khí hậu.

Người dân chưa được hưởng lợi nhiều

Đất công viên cây xanh dần biến mất thay bằng các dự án, Công viên Chi Lăng đã thành “sân trước” của Trung tâm Thương mại Vincom hay một phần diện tích đất sân bay Tân Sơn Nhất chuyển mục đích sử dụng thành sân golf… là những bằng chứng sống động được TS-KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, đưa ra để cho thấy người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ các dự án phát triển văn minh, hiện đại của TP.

“Chúng ta đang phát triển đô thị hay kinh doanh đô thị? Rõ ràng để phát triển đô thị bền vững, công tác quy hoạch nên đặt quyền lợi người dân lên trên quyền lợi nhà đầu tư. Để làm được điều đó, cần một thế hệ lãnh đạo đủ ý chí và bản lĩnh” – TS-KTS Tứ nhận xét. TS-KTS Tứ cũng đề xuất quy hoạch đô thị theo đạo lý châu Á: Mang lại hạnh phúc cho mọi người, hướng đến toàn cầu nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc.

Đồng tình với nhận định của các chuyên gia, ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đề nghị các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng phối hợp với các hội nghề nghiệp và các chuyên gia rà soát, đánh giá, phản biện … để xây dựng các chiến lược quy hoạch phát triển của TPHCM và các địa phương khác. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ tạo điều kiện để Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cũng như các hội nghề nghiệp tham gia đóng góp ý kiến công tác xây dựng quy hoạch cũng như chính sách quản lý.

Nhiều cảnh báo

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), đến năm 2050, khoảng 30%- 70% hệ thống giao thông TP có nguy cơ ngập lụt, 70% diện tích đất nông nghiệp còn lại có nguy cơ nhiễm mặn 1/1.000, 60% nhà máy xử lý nước thải và 90% bãi chôn lấp rác của TP có nguy cơ ngập lụt. Đặc biệt, khoảng 142.000 ha diện tích TP bị ngập úng khi có bão bất thường.



DiaOcOnline.vn - Theo