Top

Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

Cập nhật 07/11/2011 16:15


Dự án Keangnam đã được yêu cầu ký quỹ khi thực hiện đầu tư. Ảnh: Đức Thanh
Nhà đầu tư được yêu cầu phải đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với giá trị tối thiểu bằng 1% tổng vốn đầu tư của dự án, tối đa không quá 20 tỷ đồng.

Mức bảo đảm thực hiện dự án này được đề xuất trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Đầu tư dành cho đối tượng là các nhà đầu tư được cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Nếu được thông qua, cách thức ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ đầu tư với dự án đầu tư.

Khi đó, những yêu cầu ký quỹ thực hiện dự án mà một số địa phương lâu nay áp dụng theo hình thức “vận dụng các quy định của pháp luật” sẽ chính thức có cơ sở pháp lý thực hiện.

Khởi xướng cho yêu cầu về ký quỹ có lẽ là một số địa phương miền Trung khi tình trạng các dự án bất động sản ven biển rơi vào tình trạng “giữ đất không triển khai”. Sau đó, ngay tại Hà Nội, các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản như Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (chủ đầu tư là Tập đoàn Keangnam - Hàn Quốc), Grand Plaza (chủ đầu tư là Tập đoàn Charmvit – Hàn Quốc) cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội yêu cầu ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án với mức 5 triệu USD/dự án. Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, mức ký quỹ này được xác định dựa trên thỏa thuận với từng chủ đầu tư.

Cũng phải nhắc lại rằng, khi vận dụng cách thức này để tăng trách nhiệm của nhà đầu tư trong thực hiện dự án, lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư nhiều địa phương rất băn khoăn về tính pháp lý của hình thức này và cho rằng, do được hiểu là thoả thuận riêng giữa địa phương và chủ đầu tư nên tính khả thi của chúng chỉ đạt được nếu có sự ủng hộ và đồng thuận của các chủ đầu tư.

Chính vì vậy, mức kỹ quỹ được một số địa phương đưa ra với một số chủ đầu tư các dự án quy mô lớn, dự án sử dụng diện tích đất lớn không giống nhau, thường bằng khoảng 5% tổng vốn đầu tư của dự án và hay được đặt ra khi dự án rơi vào tình huống khó triển khai. Mới đây nhất, Bình Định khi ban hành Quyết định số 471/QĐ-UBDN quy định ký quỹ cam kết đầu tư đối với các dự án ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh vào ngày 21/9/2011 đã xác định tỷ lệ 5% tổng mức đầu tư với các dự án quy mô vốn dưới 200 tỷ đồng và thấp nhất là 1,5% với các dự án trên 500 tỷ đồng. Với các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch dự kiến sử dụng đất trên 2 ha ở ngoài khu vực đô thị, UBND tỉnh Bình Định cũng xác định giá trị ký quỹ tính theo hec-ta với mức cao nhất là 60 triệu đồng/ha cho các dự án sử dụng trên 50 ha đất.

Thời hạn nộp ký quỹ cũng được coi như là một trong những tiêu chí quyết định việc có hay không thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án. Hai dự án tỷ đô bị thu hồi giấy phép vào cuối năm 2010 là Dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hoà và Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng (Quảng Nam) đều với lý do chậm triển khai dự án và không thực hiện đúng cam kết với UBDN tỉnh về ký quỹ.

Đó là chưa kể tình trạng có địa phương yêu cầu ký quỹ, có địa phương không, khiến nhiều nhà đầu tư thắc mắc về tính thống nhất của quy định pháp luật về đầu tư. Chủ đầu tư Dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa là Công ty TNHH một thành viên Galileo Investment Group Vietnam sau khi bị rút giấy chứng nhận đầu tư do không đáp ứng thời hạn nộp ký quỹ cũng đã than phiền về tính pháp lý của yêu cầu này.

Như vậy, đề xuất trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 108/2006/NĐ-CP theo hướng nhà đầu tư phải thỏa thuận bằng văn bản với Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư về việc đảm bảo thực hiện dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư sẽ giải quyết dứt điểm những vướng mắc trên.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định tài sản bảo đảm, thời gian có hiệu lực của tài sản bảo đảm, trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm và quyền, nghĩa vụ có liên quan của mỗi Bên được thỏa thuận tùy thuộc vào mục tiêu, tính chất, quy mô của dự án và phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, quy định của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, pháp luật có liên quan.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Tứ cho rằng, các quy định cần theo hướng cụ thể về tỷ lệ áp dụng cho từng nhóm dự án để việc thực thi đảm bảo thuận lợi và thống nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư