Top

Ban quản trị chung cư: Sẽ đưa vào luật

Cập nhật 29/11/2012 08:20

Những khúc mắc, khó khăn trong hoạt động của mô hình ban quản trị chung cư sắp được tháo gỡ khi Bộ Xây dựng đang tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên để đưa vào luật.

“Ban quản trị chung cư dù dưới hình thức nào cũng phải có. Mọi góp ý của các nhà quản lý, chủ đầu tư và các hộ dân sẽ được Bộ Xây dựng xem xét kỹ trước khi đưa vào luật cho vấn đề này”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định.
 

Để quản lý và vận hành, các tòa nhà chung cư nhất thiết phải có ban quản trị, dù dưới bất kỳ hình thức nào


Trên thực tế mô hình nhà chung cư đã tồn tại ở Việt Nam khoảng 50 năm, nhưng vấn đề quản lý chung cư chỉ “nóng” lên gần đây, khi những xung đột giữa cư dân với công ty quản lý tòa nhà và chủ đầu tư tăng lên do những bất đồng về phí, cách thức vận hành... Hơn nữa, luật pháp Việt Nam còn quy định khá mù mờ về vấn đề này.

TS. Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, không nhất thiết phải có ban quản trị, vì trên thực tế, nhiều chung cư không có ban quản trị, nhất là chung cư tái định cư vẫn tồn tại, trong khi đó, một số chung cư có ban quản trị, nhưng hoạt động không hiệu quả.

“Mỗi chung cư có độ ‘chuẩn’ khác nhau, đòi hỏi ban quản trị phải quản lý chuyên nghiệp, tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa có ban quản trị nào được gọi là chuyên nghiệp. Quy định hay đưa vào luật là để làm tốt hơn, chứ nếu gây phiền toái thì không nên có”, bà Loan nhận xét và cho rằng, hiện đang có sự khác biệt trong quan điểm tham gia ban quản trị giữa Bắc và Nam. Nếu phía Bắc, nhiều người tích cực tham gia ban quản trị, thì phía Nam, cư dân ít để ý đến việc này.

Ý kiến của bà Loan không nhận được sự đồng tình của các nhà quản lý cũng như chủ đầu tư nhiều dự án.

“Vấn đề không phải là thu bao nhiêu tiền, mà cách quản lý thế nào, người dân có đồng thuận hay không. Không thể không có ban quản lý, còn gọi dưới cái tên nào là do chúng ta đặt ra”, ông Chiến khẳng định.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho biết, quản lý tốt sẽ nâng tầm chung cư và cũng là cách hút khách hàng. Đây cũng là cách Đất Lành đang làm và rất thành công khi các dự án của Công ty đều bán hàng tốt, dù thị trường ảm đạm.

“Với chủ đầu tư, ngay từ khâu thiết kế phải giảm thiểu các chi phí điện năng như hệ thống thông gió, ánh sáng tự nhiên, công viên, vỉa hè, mặt tiền… Vì vậy, nếu không thành lập ban quản trị sẽ rất khó quản lý. Vấn đề của người mua nhà là phải đọc kỹ hợp đồng, phân rõ trách nhiệm của mỗi bên, đảm bảo yếu tố đúng pháp luật và hài hòa lợi ích thì quản lý chung cư không có gì khó”, ông Đực nói và cho biết thêm, hiện Đất Lành thu phí quản lý 3.000 đồng/m2/tháng. Với mức phí này, Công ty chỉ nhằm mục đích phục vụ là chính, không đặt mục tiêu lợi nhuận, vì vậy ban quản trị, cũng như Công ty nhận được sự đồng tình của người dân.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc CTCP Quản lý và khai thác tòa nhà PMC, để giảm thiểu những tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, cần phân định rõ tài sản riêng, chung và minh bạch thu chi để từ đó đưa ra mức phí quản lý hợp lý.
 

- Trước năm 1975, TP. HCM có 533 tòa nhà (chủ yếu là 5 tầng), hiện nay có thêm 596 tòa nhà, nâng tổng số lên 1.129 tòa nhà.

- TP. Hà Nội hiện có gần 1.000 chung cư.

Ông Đỗ Tất Chiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty DIC cho biết, DIC đang vận hành 7 tòa nhà cao từ 17 - 25 tầng với 1.838 căn hộ tại Vũng Tàu. Dù đã đi vào hoạt động từ 2006 và đã bán hết, nhưng số hộ về ở chỉ mới khoảng 50%, nên không thể bầu được ban quản trị. Vì thế, DIC đã phải thành lập công ty để quản lý và vận hành các tòa nhà, với mức phí quản lý là 3.000 đồng/m2. Sau 3 năm hoạt động, đến nay chưa có khiếu kiện gì. Sắp tới DIC sẽ tăng mức phí lên để chất lượng cao hơn và người dân đã đồng ý.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán