Top

Bán dự án nhà ở xã hội, cò đất thu chênh hàng trăm triệu đồng

Cập nhật 19/04/2019 14:00

Theo phản ánh, hiện hoạt động mua bán nhà ở xã họi ngoài luồn là trái luật và tiềm ẩn rủi ro cho người mua nhưng phân khúc này vẫn rất sôi động, Nhờ vậy mà đối tượng cò đất đã thu chênh từ 400 đến 600 triệu đồng mỗi căn. Trước tình trạng đó, Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới, mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn.

Theo Bộ Xây dựng, căn cứ theo phản ánh, tại một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội (như dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm; dự án nhà ở xã hội tại địa chỉ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân…) có hiện tượng các cá nhân môi giới, sàn giao dịch bất động sản thực hiện môi giới mua bán nhà ở xã hội và thu tiền chênh lệch trái quy định.

Cụ thể, chi phí hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ và cam kết sẽ được mua nhà ở xã hội là hàng chục triệu đồng; chi phí để khách hàng mua được căn góc, vị trí đẹp chênh so với giá bán gốc hàng trăm triệu đồng. Đối với trường hợp mua lại nhà ở xã hội thì phải trả tiền chênh khoảng 4 - 6 triệu/m2, tương đương mỗi căn hộ chênh lệch so với giá gốc khoảng 400 triệu đồng.

Các hành vi nêu trên là trái với các quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội, đã được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 21/2016/TT-BXD ngày 30.6.2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động giao dịch, mua bán nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn để chấn chỉnh các hiện tượng, hoạt động nêu trên đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật (nếu có) theo thẩm quyền. Sau đó, UBND TP.Hà Nội báo cáo kết quả kiểm tra, biện pháp chấn chỉnh và xử lý vi phạm về Bộ Xây dựng trước ngày 30.4.2019.

"Cò đất" thu giá chênh hàng trăm triệu đồng từ việc bán nhà ở xã hội.

Theo thông tin báo chí phản ánh, dù các hoạt động mua, bán nhà ở xã hội ngoài luồng là trái luật và tiềm ẩn không ít rủi ro cho người mua, nhưng các giao dịch ngầm tại phân khúc này vẫn rất sôi động. Đáng nói, khi dự án mới công bố danh sách người đủ điều kiện được mua, nhiều môi giới đã đăng rao bán rầm rộ.

Cụ thể, tại dự án 282 Nguyễn Huy Tưởng, số tiền chênh lệch khách hàng phải trả thậm chí còn lên tới trên 500 triệu đồng. Đối với căn hộ 70m2, chủ cũ có suất mua theo dạng nhà ở xã hội phải trả là 1,12 tỷ đồng. Người đó thông qua sàn bán lại ra thị trường với giá 1,54 tỷ đồng (22 triệu đồng/m2), chênh khoảng 400 triệu đồng.

Thậm chí có căn hướng đẹp, giá bán lại được đẩy lên 23-24 triệu đồng/m2 (khoảng 1,61-1,68 tỷ đồng/căn hộ, chênh 500-570 triệu đồng/căn). Đáng chú ý có căn 78 m2, chênh lệch lên tới 600 triệu đồng.

Còn tại dự án EcoHome 3 do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư, ngay sau khi có thông tin tiếp nhận hồ sơ, đội ngũ tư vấn đã rầm rộ rao bán trên mạng xã hội.

Theo thông báo của chủ đầu tư, thời gian tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội NO2, NO3 đợt 1 dự kiến từ 21.3 đến hết ngày 21.4. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, đội ngũ cò môi giới BĐS đã “tung hoành” lôi kéo nhiều người đến nghe họ tư vấn miễn phí làm hồ sơ, nhưng thực chất là “gợi ý” người dân đưa tiền với cam kết chắc chắn sẽ mua được nhà theo yêu cầu của khách.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư & Thương mại Thủ Đô, cho biết công ty đã chủ động nhiều lần đăng thông báo, đăng thông tin trên website tập đoàn, trên báo chí và tại điểm tiếp nhận hồ sơ để khuyến cáo các khách hàng quan tâm đến dự án này, người có nhu cầu về nhà ở xã hội không bị các đối tượng cò mồi trục lợi. Chủ đầu tư không ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội NO2, NO3 – EcoHome 3, cũng như không ký với bất kỳ đơn vị nào để phân phối nhà ở xã hội.

“Còn việc các sàn giao dịch đăng thông tin thì chúng tôi không thể ngăn cản họ vì đây là vấn đề pháp lý và quyền của mỗi đơn vị…”, ông Trung nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia khuyến cáo, Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tại Điều 23 các nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, cũng như cách tính điểm các đối tượng đã được quy định rất rõ. Chính vì vậy, việc mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng hoặc mọi hành vi can thiệp không đúng đến việc mua bán nhà ở xã hội đều coi là vi phạm pháp luật. Người dân phải thận trọng để tránh trường hợp bị “lừa” rồi mất tiền.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân việt