Top

Bản để in Doanh nghiệp địa ốc coi bảo lãnh dự án như “bảo bối”

Cập nhật 03/08/2016 10:53

Trong bối cảnh nguồn cung đang lớn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp địa ốc coi việc dự án được ngân hàng bảo lãnh như “bảo bối”để cạnh tranh khi mở bán.

Dự án Mon City là một trong những dự án hiếm hoi được ngân hàng chính thức cấp chứng thư bảo lãnh. ảnh: Dũng Minh

Theo quy định tại Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính.

Trong quá khứ, tại nhiều dự án nhà ở hình thành trong tương lai, sau khi thu tiền của khách hàng đã đắp chiếu hàng năm trời, thậm chí có dự án chủ đầu tư còn cao chạy xa bay, khiến khách hàng mất tiền và nhà không có. Do đó, quy định trên được thị trường đánh giá tích cực và kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, do còn nhiều vướng mắc, nên không nhiều dự án được ngân hàng bảo lãnh một cách thực chất.

Ngoài ra, với việc thị trường thời điểm cuối năm 2015 còn sôi động, thanh khoản ở mức cao, nhiều chủ đầu tư cũng chưa tính đến việc bảo lãnh dự án để tránh làm tăng chi phí, một số dự án khác đã xây dựng gần xong khi luật có hiệu lực, doanh nghiệp cũng không nghĩ tới chuyện phải bảo lãnh ngân hàng.

Tuy nhiên, khi nguồn cung trên thị trường gia tăng nhanh, áp lực cạnh tranh ngày một lớn, ngoài ưu thế về vị trí, tiện ích, để thu hút và lấy niềm tin khách hàng, nhiều dự án đã bắt tay với ngân hàng để ký kết thỏa thuận nguyên tắc về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, ngoài việc để đáp ứng đủ điều kiện mở bán, còn xem đây như “bảo bối” để truyền thông, thu hút khách hàng.

Chẳng hạn, tại Dự án Sun Square, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dù đã mở bán trong suốt năm 2015 không có bảo lãnh ngân hàng, nhưng đến đầu tháng 6/2016 vừa qua, dù đang trong giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư dự án này bất ngờ ký kết bảo lãnh dự án với ngân hàng. Tương tự, Dự án CT4 Vimeco khu vực Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dù đã huy động vốn từ khách hàng khi chưa xây xong móng khoảng 1 năm trước, nhưng khi dự án đã sắp hoàn thiện phần xây thô, chủ đầu tư lại bất ngờ ký kết bảo lãnh với Ngân hàng BIDV….

Mới đây nhất, đầu tháng 7/2016, Dự án Tứ Hiệp Plaza, huyện Thanh Trì, Hà Nội, một dự án nhà giá rẻ hiếm hoi chuẩn bị mở bán trong tháng 8/2016, cũng được chủ đầu tư giới thiệu đã được Vietinbank bảo lãnh dự án. Trước đó, vào tháng 4/2016, Dự án Tháp Doanh nhân, quận Hà Đông, Hà Nội - một dự án nhiều tai tiếng vì chậm tiến độ - cũng bất ngờ quảng cáo được Ngân hàng Việt Á tham gia bảo lãnh trước khi mở bán…

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Nhà đất 24h cho rằng, việc ký kết bảo lãnh ngân hàng thường khiến giá căn hộ tăng thêm khoảng 2%, nên khi thị trường có thanh khoản tốt, nhiều doanh nghiệp không mặn mà ký kết bảo lãnh dự án với ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản thị trường đang gặp khó khăn hiện nay, việc bảo lãnh ngân hàng đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng như “bảo bối” để phục vụ truyền thông, PR bán hàng.

Về mặt pháp lý, việc dự án được ký kết với ngân hàng, quyền lợi khách hàng sẽ được gia tăng, vì ngay cả với dự án sắp hoàn thiện, không có nghĩa dự án đã hết rủi ro về tiến độ. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản và tài chính, việc ngân hàng đồng ý nguyên tắc bảo lãnh cho dự án chưa phải ngân hàng đã chính thức bảo lãnh, nên khách hàng vẫn chịu rủi ro khi dự án không đảm bảo tiến độ. Quyền lợi của khách hàng chỉ thực sự được đảm bảo khi dự án được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh cho dự án và cho khách hàng.

Trong khi đó, trên thực tế, tính đến thời điểm này, rất ít dự án tại Hà Nội được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh. Một trong những dự án hiếm hoi tại Hà Nội được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh cho dự án và khách hàng là Dự án Mon City, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội của HD Mon. Dự án này đã được HD Bank cấp chứng thư bảo lãnh cho dự án và khách hàng.

Cùng với những tiện ích, chất lượng và tiến độ, việc dự án được ngân hàng cấp chứng thư bảo lãnh cũng giúp đẩy nhanh tốc độ bán hàng của Mon City. Theo thông tin của chủ đầu tư, hiện dự án đã bán hoàn thành chương trình bán hàng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản