Tổng thể Nhà hát Lớn, quảng trường và các đường phố |
LTS: Nhân dịp hai công trình “xuyên thế kỷ” ở Hà Nội đều vượt trăm tuổi, gồm Cầu Long Biên, tròn 110 tuổi vào tháng 2/2012 (1902-2012) và Nhà hát Lớn Hà Nội, kỷ niệm 100 năm “sáng đèn” hồi đầu tháng 12/2011 (1911-2011), cùng Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn lại diện mạo Hà Nội từ những ngày đầu xây dựng các công trình đó, để ngẫm về tư duy đầu tư và quy hoạch hơn một thế kỷ trước.
Chân dung thành phố “nhượng địa”
Hơn một thế kỷ trước, phía thượng lưu sông Hồng vẫn chỉ là một khu phố cổ; phía hạ lưu vẫn là những làng xóm và đầm lầy mênh mông với một con phố mới được kẻ thẳng từ Cửa Tây Long (nay là phố Phạm Ngũ Lão), được người Pháp quy hoạch thành đường phố đầu tiên của một thành phố hiện đại, một “phố Tây” như cách gọi đương thời để phân biệt một Hà Nội truyền thống được bảo tồn với một Hà Nội thời thuộc địa.
Đường phố ấy được chính quyền thuộc địa định danh bằng tên của viên toàn quyền dân sự đầu tiên là Paul Bert. Vì con đường cũng kề cận với địa điểm xưa kia là xưởng đúc tiền của triều đình, nên dân gian vẫn sử dụng địa danh “Tràng Tiền” (Sau này, ông thị trưởng người Việt đầu tiên thời Chính phủ Trần Trọng Kim ngắn ngủi là Trần Văn Lai đã xoả bỏ tên của thực dân để đặt chính thức là “phố Tràng Tiền”, duy trì cho đến nay). Con đường này kéo dài trở thành trục đường chính đi ngang qua thành Hà Nội vừa bị phá để nối với Phủ Toàn quyền sẽ được xây cùng với Vườn Bách thảo thành phố, đúng như mô hình của một thành phố lớn kiểu Âu Tây.
Kết nối giữa hai không gian ấy là khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được chính quyền Hà Nội ưu tiên cải tạo, lấp bớt diện tích mặt nước, xây con đường bao quanh và định vị nó như một không gian công cộng. Đó cũng là trung tâm hành chính, hội tụ quanh một công viên dựng những tượng đài đầu tiên của thành phố, gồm tượng Paul Bert, tượng Bà Đầm Xoè (phiên bản Nữ thần Tự do) được đưa từ chính quốc sang dự Đấu xảo (triển lãm) năm 1887.
Cũng phải nói thêm rằng, đối diện phía bên kia hồ, lưu luyến với các đấng tiên liệt, sĩ phu cùng các quan chức bản xứ trong bộ máy chính quyền thuộc địa đã dựng tượng vua Lê Thái Tổ cũng theo kiểu cách phương Tây. Thân tượng Ngài nhỏ nhưng đứng trên cột cao, trỏ gươm, không biết là trỏ vào mặt hồ để gợi lại chuyện Hoàn Kiếm cho Thần Rùa từ 5 thế kỷ trước, hay sang phía bên kia hồ để tỏ ý với bức tượng kẻ đứng đầu chế độ thuộc địa đang đô hộ xứ ta (!?).
Hà Nội bước vào đầu thế kỷ XX, tất cả chỉ có thế. Nhưng đó cũng chính là thời điểm chuẩn bị cho những thay đổi lớn lao. Cho đến thời điểm chuyển tiếp từ thế kỷ XIX qua thế kỷ XX, Hà Nội đã có hơn một con giáp là thành phố “nhượng địa” của Pháp, tức là chính quyền thực dân có toàn quyền cai quản bằng một mô hình quản lý như một thành phố ở chính quốc. Cả mô hình quy hoạch, kiến trúc cũng hoàn toàn mới theo một sắc lệnh của Tổng thống Pháp vào năm 1888. Cùng thời với Hà Nội, trở thành nhượng địa của Pháp còn có Hải Phòng và Tourane (Đà Nẵng).
Nếu Hà Nội đã từng là Thăng Long - nên dân cư đông đúc hơn nhờ hoạt động của những phường hội thủ công từ nhiều miền quê đến lập nghiệp và bộ máy quan lại của triều đình, thì Hải Phòng có cái thế mạnh của một cửa khẩu đáp ứng cho nền kinh tế thuộc địa đang chuyển mạnh thành một thành phố cảng đầu mối, không chỉ thâm nhập toàn bộ Đồng bằng Bắc Bộ trù phú, mà còn là đầu cầu để tiến ngược lên phía Tây Bắc và thâm nhập vùng Tây Nam nước Trung Hoa khổng lồ mà nước Pháp đang muốn thâm nhập để cạnh tranh với các đế quốc phương Tây khác đã có mặt tại quốc gia phương Đông này.
Với lợi thế gần biển, kề với vựa lúa, lại gần mỏ than Hòn Gai, nên TP. Hải Phòng phát triển mau chóng từ một làng chài và một căn cứ quân sự phòng thủ bờ biển của triều đình xưa như đúng tên gọi của nó. So sánh với Hà Nội cho đến những năm đầu thế kỷ XX, Hải Phòng phát triển sớm và nhanh hơn Hà Nội. Thành phố này có nhà máy điện sớm nhất nước (trước cả Sài Gòn), các dịch vụ đô thị có sớm hơn Hà Nội như báo chí, sử dụng nước đá, các phương tiện giao thông cơ giới.
Cây cầu “đánh thức” Hà Nội cổ xưa
Tuy nhiên, hai công trình lớn được triển khai gần như cùng lúc trong kế hoạch tổng thể của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, với những ý tưởng táo bạo khiến ngay những cộng sự đương thời cũng nghi ngờ về tính khả thi của nó, đã tạo ra một bước ngoặt quyết định để Hà Nội nhanh chóng phát triển tương xứng với một thủ phủ phía Bắc của toàn bộ thuộc địa Đông Dương.
Đầu tiên là cầu Long Biên, một cây cầu thép có quy mô và trình độ công nghệ thuộc loại lớn nhất và tiên tiến nhất ở châu Á đương thời, bắc qua sông Hồng, đi xuyên qua trung tâm TP. Hà Nội. Mặc dầu mục tiêu chính là để từng bước tiến vào vùng Tây Nam Trung Quốc, nhưng cầu Long Biên đã trở thành một nhân tố quan trọng để xác lập vị thế trên bản đồ chính trị, kinh tế và dân cư của Đông Dương. Chỉ sau khi cây cầu hoàn thành và tuyến đường sắt vận hành, dân số và bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi hẳn cả về chất lượng và số lượng.
Để xây một cây cầu, toàn bộ các cấu kiện thép đều được đưa từ Pháp qua đường biển tới cảng Hải Phòng, rồi theo sông Hồng ngược lên Hà Nội. Nhà máy xi măng, công trình công nghiệp thuộc loại sớm nhất được xây dựng ở ngoại vi Hải Phòng sử dụng nguồn than từ Hòn Gai và vật liệu đá cùng clinker khai thác tại chỗ đã giải quyết căn bản việc xây dựng các hạng mục hạ tầng cho chiếc cầu này.
Ngoài các kỹ sư Pháp thì nhân lực làm cầu ban đầu sử dụng khá nhiều công nhân kỹ thuật người Hoa, nhưng sau đó chủ yếu dùng người Việt nhờ nguồn nhân lực dồi dào và khả năng tiếp thu nhanh khiến người Pháp phải kinh ngạc...
Từ chỗ nghi ngờ - đến mức nhiều bài báo dùng ngôn ngữ châm biếm để đả kích ý tưởng của viên Toàn quyền, đến chỗ đồng tình, ủng hộ cao - khi nhà cai trị này đã giải quyết được nguồn ngân sách xây cầu, ước chừng 6 triệu quan Pháp lấy từ việc bán cổ phiếu. Dự án được đưa ra năm 1897, một năm sau thì khởi công, 2 năm sau (1900) bắt đầu lắp ráp kết cấu thép và đầu năm 1902 đã hoàn thành. Ban đầu mới chỉ có đường sắt ở giữa và 2 tuyến đường bộ, đủ để cho loại xe tay có người kéo lưu thông mỗi chiều một bên. Đến năm 1923, cầu mới mở rộng cho xe cơ giới đi qua.
Năm 1902, Hà Nội mở Đấu xảo lớn thu hút toàn Đông Dương và nhiều nước ở châu Á, châu Phi và các thuộc địa không chỉ của Pháp tham dự, gắn với việc khánh thành cầu lúc này mang tên Paul Doumer. Trong ngày trọng đại đó, viên Toàn quyền cũng kết thúc nhiệm kỳ của mình và ngồi trên đoàn tàu hoả vừa cắt băng, đi từ Hà Nội qua cầu ra Hải Phòng, rồi xuống tàu biển về nước. Nhà cai trị thuộc địa này, sau đó một thời gian trở thành Tổng thống Pháp.
Nhìn vào tiến độ xây dựng cây cầu lớn này, đến nay người ta vẫn phải khâm phục tư duy và sự điều hành thực hiện quy hoạch rất quy củ và hiệu quả. Chiếc cầu đã hoàn tất toàn bộ tuyến đường sắt Hải Phòng (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) và trở thành cú hích cho Hà Nội phát triển thành một trung tâm giao thông, sau khi đã gắn kết với các tuyến đường sắt từ Lạng Sơn, Phủ Lạng Thương về Hà Nội, rồi vươn với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ để hoàn chỉnh tuyến đường xuyên Đông Dương hơn ba thập kỷ sau đó (1936).
Ngay trong khi cầu lớn đang hoàn thiện thì một tuyến đường sắt đô thị chạy điện đã được quy hoạch, lấy Bờ Hồ là trung tâm, toả ra các cửa ô của Hà Nội và đi ngang qua tất cả các ngôi chợ lớn nhất của thành phố đã được quy hoạch lại, như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ về hướng Nam; chợ Cửa Nam, Ô chợ Dừa về hướng Tây, Yên Phụ và chợ Bưởi về hướng Bắc...Tất cả tạo ra một hệ thống giao thông công cộng rất hợp lý cho một đô thị mang tính chất Kẻ Chợ - một trung tâm thương mại.
Hệ thống tàu điện đã bổ sung rất hữu hiệu cho các phương tiện giao thông cá nhân mà chủ yếu là xe kéo (pousse-pousse) dịch vụ hay tư nhân đã hoạt động trước đó, nhưng ngay từ đầu được quản lý với một tư duy có quy hoạch. Trừ “xe nhà” (xe riêng của tư nhân), tất cả các xe hoạt động mang tính dịch vụ đều phải do những công ty quản lý, số lượng tham gia theo chỉ định của Toà đốc lý thành phố công bố mỗi năm, dựa trên năng lực hạ tầng đường sá được quy định rất chặt. Ví dụ, năm nay được lưu thông bao nhiêu xe chạy bánh sắt (trên đường rải đá) và bánh cao su (trên đường rải nhựa), hợp đồng căn cứ vào các cuộc đấu thầu.
Năm khánh thành cầu (1902), Nhà máy đèn Bờ Hồ được xây dựng, không chỉ cung cấp năng lượng cho hệ thống tàu điện từng bước đưa vào vận hành mà còn bắt đầu cung ứng cho hệ thống thắp sáng bằng điện trên đường phố, các công sở và các tư gia đủ điều kiện...
Con đường nay mang tên Tràng Tiền sau khi hoàn tất đoạn nối từ khu Đồn Thuỷ ra tới cửa Tây Long gấp khúc 90 độ, kéo thẳng đến bờ phía Nam hồ Hoàn Kiếm, tạo ra một khu phố thương mại và dịch vụ đúng theo phong cách châu Âu. Nơi đó có quán cà phê, quán ăn, nhà trọ rồi cả khách sạn, rạp chiếu bóng... và cả toà báo và nhà in kề cận với những công trình của bộ máy quản lý thành phố từ Toà Đốc lý đến Phủ Thống sứ và tiếp đó là bưu điện, ngân hàng...
Con đường này nối dài về phía Tây, đi ngang qua thành cổ đã bị phá và tiến thẳng vào khu Bách Thảo, Phủ Toàn quyền và gần đó là 2 trường trung học lớn nhất cho người bản xứ (Trường Bảo hộ, tức Trường Bưởi) và trường cho người Âu và giới thượng lưu là Lycée Albert Sarraut. Trục đường này tách đôi Hà Nội về phía Bắc, là khu phố cổ vẫn được bảo tồn trên cơ sở quy hoạch lại hạ tầng. Phía Tây thành khu phố Tây, dành cho các công sở và quan chức người Âu và giới thượng lưu bản xứ. Toàn bộ khu phía Nam, cùng với việc cải tạo các vùng trũng, chỉ giữ lại một số mặt hồ, được quy hoạch chia ô thành khu phố mới cho các thành phần cư dân hình thành cùng sự phát triển đô thị này.
Có thể nói, chỉ sau khoảng 4 thập kỷ, cho đến khi Thế chiến II bùng nổ (1939), cho dù cũng gặp những đợt khủng hoảng kinh tế và ảnh hưởng của Thế chiến I, nhưng tư duy quy hoạch của người Pháp được thực hiện rất quy củ, tạo nên Thành phố Hà Nội khá hoàn thiện trước khi nó trở thành Thủ đô một nước Việt Nam độc lập (1945).
Và điểm nhấn cho không gian Hà Nội
Công trình thứ hai giúp Hà Nội bứt phá so với các đô thị khác, xuất phát từ quyết định quan trọng nữa của Toàn quyền Paul Doumer vào năm mở đầu cho thế kỷ XX, tạo điểm nhấn cho không gian khởi đầu quy hoạch đô thị (đầu của đường Tràng Tiền), chính là một nhà hát quy mô cho thành phố. Đã có câu ngạn ngữ phổ biến ở châu Âu thời chủ nghĩa thực dân bành trướng, rằng: “Chinh phục một vùng đất mới, người Tây Ban Nha trước hết xây một nhà tù, người Italia xây một nhà thờ, người Anh xây một nhà băng (ngân hàng), còn người Pháp xây một nhà hát”.
Nhà hát TP. Sài Gòn đã được khai trương vào năm mở màn thế kỷ XX (1900); Nhà hát TP. Hải Phòng được quyết định muộn hơn (1904) nhưng khánh thành trước Hà Nội vài tháng. Riêng Nhà hát TP. Hà Nội được quyết định vào năm 1900, nhưng phải đến cuối năm 1911 mới hoàn thành.
Nhà hát này còn được gọi là Nhà hát Lớn, cũng bởi quy mô của nó lớn hơn cả, vẻ đẹp vượt trội hơn cả so với 2 nhà hát ở Sài Gòn và Hải Phòng. Với hơn 800 ghế ngồi, được thiết kế theo ảnh hưởng của Nhà hát Paris (Opéra de Paris) ở kinh đô của nước Pháp, nhưng hoàn toàn không phải là một phiên bản thu nhỏ của Opéra de Paris.
Nó cũng từng gây khó khăn cho nguồn vốn của Hà Nội, khi chính quyền Thành phố đã phải bán địa điểm rạp hát cũ vốn mua lại của người Hoa (Rạp Takou) ở gần Cửa Đông, nay là Trường Thanh Quan ở phố Hàng Cót, và phải kéo dài một thập kỷ mới hoàn thành. Tư duy của những người đương thời không bị bó vào những khó khăn của kinh phí, quyết tâm xây dựng một công trình có giá trị lâu dài, mà thời gian một thế kỷ đã qua chứng thực giá trị đó.
Sự ra đời của Nhà hát này được ghi nhận vào đêm “sáng đèn” - diễn vở kịch nói của một nhóm kịch nghiệp dư gồm các cư dân người Âu sống ở Hà Nội, được một ông chủ hiệu thuốc ở phố Tràng Tiền gây dựng. Đó là đêm 19/12/1911, khi phần nội thất vẫn chưa hoàn thiện. Nhưng suốt một thế kỷ qua, Nhà hát Lớn không chỉ là ngôi đền nghệ thuật của sự giao lưu và phát triển từ thời thuộc địa đến một nền nghệ thuật hiện đại của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành một không gian lịch sử, ghi nhận biết bao nhiêu biến cố quan trọng, từ những cuộc xuống đường biểu dương lực lượng của nhân dân Thủ đô trong những ngày đầu Cách mạng, đến nơi tiến hành những hoạt động của Quốc hội... Cùng với việc được Chính phủ đầu tư lớn vào giữa thập kỷ 90 nhân Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia nói tiếng Pháp (1997), giờ đây Nhà hát Lớn Hà Nội đã được công nhận (cùng với quảng trường) là một di tích lịch sử và kiến trúc.
Cầu Long Biên và Nhà hát Lớn Hà Nội đều đã trở thành cổ vật theo tiêu chí của Luật Di sản, vì nó đã vượt qua thời hạn 100 năm, nhưng cả hai vẫn mang trên mình những chức năng ban đầu của nó. Tuy đã già nua vì tuổi tác, lại chịu nhiều thương tích của thời chiến tranh, nhưng cầu Long Biên vẫn bắc nhịp cho từng đoàn tàu băng qua hai bờ sông Hồng và vẫn góp phần san tải cho những loại xe thô sơ từ bờ Bắc đi thẳng vào trung tâm sầm uất nhất của phố cổ Hà Nội, nơi có chợ Đồng Xuân đến nay cũng đã ngoài trăm tuổi. Nhà hát Lớn, giờ vẫn là điểm hẹn văn hóa lớn của người dân Thủ đô, cũng là điểm hẹn của các đôi uyên ương, nam nữ khi họ muốn ghi lại những tấm hình đẹp nhất trước ngày nên duyên cuộc sống lứa đôi, như mong muốn tình yêu lứa đôi luôn giữ mãi vẻ đẹp, cũng vĩnh cửu, bền chặt như công trình xuyên thế kỷ ấy.
Nhân dịp Xuân mới, giữa lúc Thủ đô Hà Nội đang tiếp tục quy hoạch trên một quy mô mới, trong một điều kiện không ít khó khăn, nhắc lại 2 “công trình xuyên thế kỷ” ấy và những bước đầu xây dựng thành phố này, chính là để nhận thức những bài học về đầu tư, cũng như tư duy quy hoạch của những người khởi động cách đây đã hơn một thế kỷ
. Và hẳn là, không phải không có những bài học sâu sắc, hữu ích.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: