Top

Đau đầu bài toán hạ tầng sau cảng

Bài 2: Bao giờ cảng hết chờ đường

Cập nhật 17/11/2009 14:35

Nếu hệ thống giao thông và dịch vụ sau cảng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục trễ hẹn với tốc độ phát triển của các cảng biển ở đây, thì dù lợi thế cảng nước sâu hấp dẫn đến đâu cũng chỉ mãi là tiềm năng.

Ngay vào thời điểm này, hạ tầng giao thông sau cảng cũng không đáp ứng được yêu cầu thi công, khai thác cảng biển ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
 

Bà Rịa-Vũng Tàu cần 5.300 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng sau cảng. Ảnh: Ngô Ngãi


Đây là một thực tế khá đau đầu không chỉ đối với các quan chức của tỉnh, mà kể cả những giới chủ vốn lâu nay coi Bà Rịa – Vũng Tàu là “quê hương thứ hai” của mình.

Một nhà đầu tư không tiện nêu tên cho biết, trong khi lượng hàng hóa thông qua các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện rất lớn và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới, thì hệ thống giao thông phục vụ cho các cảng hiện nay gần như tê liệt.

Quả vậy. Trong khi Quốc lộ 51 hiện đang quá tải, thì 6 tuyến giao thông chính nối hệ thống cảng với Quốc lộ 51 có tổng chiều dài khoảng 55,9km vẫn chưa được đầu tư dù đã được lên kế hoạch khá lâu.

Theo tìm hiểu của baodautu.vn, thời gian qua dù đã hết sức nổ lực, nhưng tuyến đường liên cảng Thị Vải – Cái Mép có chiều dài khoảng 21 km cũng chỉ mới hoàn thành khoảng 5,3 km, bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Tương tự, tuyến đường 965 dài 8,5km, nối khu vực Cái Mép với Quốc lộ 51 bằng nguồn vốn ODA có tổng mức đầu tư khoảng 1.031 tỷ đồng, cũng mới được khởi công cuối năm 2008 và nay vẫn đang triển khai.

Nhiều nhà đầu tư cho hay, với tiến độ như trên, hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ các cảng cũng phải mất ít nhất từ 3 đến 7 năm nữa mới hoàn chỉnh.

Dĩ nhiên, đó là một tin không mấy lạc quan cho những dự án cảng sẽ hoàn thành đi vào hoạt động trong giai đoạn từ nay đến 2011 vì những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa và thu hút khách hàng đang rình rập trước mặt.

Rõ ràng, xét trong một chừng mực nhất định thì việc quy hoạch hệ thống cảng biển ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa gắn kết một cách toàn diện với quy hoạch hệ thống giao thông sau cảng.

Bởi, theo quy định, việc đầu tư công trình ngoài hàng rào là do ngân sách nhà nước đảm nhận. Nhưng trong 3 năm trở lại đây, do nguồn vốn ngân sách ở tỉnh này có hạn, trong khi đó chỉ riêng nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào sau cảng khoảng 5.300 tỷ đồng nên đã rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Hơn thế, cho dù việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho hệ thống cảng biển ở tỉnh này sẽ đem lại lợi ích không riêng gì cho Bà Rịa - Vũng Tàu mà cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, song điều này dường như chưa đủ để thuyết phục các tỉnh trong vùng “chung tay” tháo nút thắt chung.

“Không còn cách nào khả dĩ hơn là kiến nghị với Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85 khẩn trương đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường 965. Đối với dự án mở rộng Quốc lộ 51 và xây dựng tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng vậy, chúng tôi đã đề nghị các bộ ngành Trung ương chỉ đạo Công ty cổ phần Đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đầy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm dự án”, ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.

Quả bóng lại trở lại chân của các bộ, ngành trung ương.

Trong khi bài toán hạ tầng giao thông đang như gà mắc tóc, thì dịch vụ logistic phục vụ cho hoạt động các cảng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Về nguyên tắc, quy hoạch hệ thống khu vực hậu cần sau cảng của toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện.

Thời gian qua, Bộ này đã cho xây dựng dự thảo quy hoạch sau khi lấy ý kiến từ các địa phương liên quan. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện Sở đang kiến nghị Bộ bổ sung quy hoạch thêm một số khu vực hậu cần mang tầm cỡ quốc gia trên địa bàn tỉnh, vì trong bản dự thảo, dù tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi tập trung hệ thống cảng biển, nhưng không bố trí khu vực hậu cần logistic liền kề mà bố trí rải đều trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Cho đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa phát triển được dịch vụ logistic. Để khai thác có hiệu quả các cảng, giảm chi phí bốc xếp vận chuyển hàng hóa, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải quy hoạch khu vực Cái Mép - Thị Vải thành khu vực hậu cần logictics.

Có vẻ như yếu tố kết nối và lan toả trong phát triển kinh tế vùng chưa được rõ ràng trong sự phát triển của hệ thống cảng, dịch vụ hạ tầng sau cảng và logistic ở khu vực này.

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam theo định hướng quy hoạch sẽ chiếm 60% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển cả nước. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng năm ở vào khoảng 20- 25%.

Như vậy, nếu tiếp tục để những yếu tố hỗ trợ như đường bộ, đường thủy, khu vực hậu cần gây trở ngại lớn cho sự phát triển của hệ thống cảng ở Bà Rịa – Vũng Tàu thì những thiệt hại về kinh tế sẽ không hề nhỏ.
 

>>Bài 1: Những khởi đầu rầm rộ


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư