Dự án casino Nam Hội An với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD đang được một nhà thầu xây dựng bất động sản thi công nền móng giai đoạn 1, với gói thầu trị giá 300 tỷ đồng.
HOIANA - Nam Hội An là dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, casino, sân golf lớn thứ 2 ở Việt Nam với tổng mức đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Có diện tích lên tới 985,6 ha, dự án này được đánh giá là khu phức hợp đô thị, du lịch hàng đầu Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam.
Từ con số 2,5 tỷ đồng ban đầu...
Ban đầu, liên doanh dự án được VinaCapital thành lập vào năm 2007 với sự tham gia của tập đoàn Genting Berhard của Malaysia. Tuy nhiên, tập đoàn này rút lui khỏi dự án ngay sau đó. Tới năm 2015, VinaCapital đã bắt tay cùng tập đoàn Chow-Tai-Fook (Hong Kong) và tập đoàn The Suncity Group (Macau) tái khởi động.
Giai đoạn 1 của dự án dự kiến phát triển trên diện tích khoảng 163 ha, với mức đầu tư gần 500 triệu USD bao gồm khu resort, phức hợp casino, sân golf cao cấp, phòng khách sạn, căn hộ cao cấp và các tiện ích đi kèm...
Hiện tại, dự án đang được tiến hành san lấp mặt bằng và xây dựng nền móng bởi Công ty Cổ phần FECON (FCN) - một công ty xây dựng bất động sản chuyên về nền móng, cấu trúc và bề mặt ngoài.
Đơn vị này bắt đầu thi công giai đoạn 1 dự án Nam Hội An từ cuối năm 2016, sau khi công bố trúng gói thầu trị giá 300 tỷ đồng tại dự án này.
Công ty Cổ phần FECON được thành lập từ năm 2004 với số vốn vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng. Sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán HOSE vào năm 2012, đến năm 2016, doanh nghiệp chính thức đổi tên từ Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON thành Công ty Cổ phần FECON (FECON Corporation).
Kể từ khi niêm yết trên HOSE năm 2012, các chỉ số kinh doanh của FECON tăng trưởng khá nhanh. Đồ họa: Quang Thắng.
|
Thành lập là một công ty xây dựng và bất động sản nhưng ngay từ khi mới ra đời, FECON đã chỉ tập trung vào lĩnh vực xây dựng nền móng các dự án. Đơn vị này sở hữu rất ít dự án bất động sản với giá trị không quá lớn.
Các công ty con hiện nay của doanh nghiệp hầu hết cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nền móng bất động sản, như Công ty TNHH xử lý nền đất yếu FECON - Shanghai Harbour (50,5% vốn); CTCP FECON MILTEC (50,29% vốn); Viện Nền móng và Công trình ngầm (100% vốn)…
Chủ yếu hoạt động xây dựng bất động sản nên dù tổng tài sản hợp nhất lên tới 3.538 tỷ đồng, giá trị hàng tồn kho của đơn vị này vào khoảng hơn 300 tỷ đồng. Hàng tồn kho này chủ yếu là nguyên vật liệu xây dựng và chi phí xây dựng dở dang tại các công trình mà công ty đang triển khai.
Nếu so với những đại gia trong lĩnh vực xây dựng như Hòa Bình, Delta... FECON vẫn chỉ là công ty xây dựng mới với quy mô nhỏ. Tuy nhiên, công ty này vẫn đều đặn báo lãi ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
... đến doanh thu nghìn tỷ
Sau khi niêm yết trên sàn HOSE từ năm 2012 đến nay, doanh thu hàng năm của đơn vị luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của công ty lên tới 2.107 tỷ đồng, cao nhất từ khi thành lập.
Kết quả lãi ròng của công ty cũng tăng trưởng khá nhanh khi cái tên FECON xuất hiện ngày càng nhiều ở các dự án bất động sản.
Không có quy mô lớn như Hòa Bình hay Delta, FECON vẫn đều đặn báo lãi ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đồ họa: Quang Thắng.
|
CTCK Bảo Việt dự báo giá trị sản lượng mảng xây lắp của đơn vị này năm 2017 có thể đạt khoảng 3,050 tỷ đồng (tăng gần 50% so với 2016).
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang có kế hoạch thoái vốn khỏi những mảng kinh ngoài ngành để tập trung nguồn tiền cho mảng xây lắp và hạ tầng. Công ty cũng đã đàm phán chuyển nhượng dự án tại Phú Quốc với giá trị đầu từ 170 tỷ đồng và kỳ vọng thu về 250 tỷ đồng (lợi nhuận trên 50%).
Doanh nghiệp cũng có kế hoạch chuyển nhượng tối thiểu 50% vốn góp tại CTCP Đầu tư hạ tầng FCC (góp 112 tỷ đồng) và kỳ vọng lợi nhuận dự kiến đạt tối thiểu 20%. Nếu thoái vốn thành công tại 2 mảng trên, doanh nghiệp dự kiến sẽ thu về tổng cộng trên 200 tỷ đồng, giúp công ty cải thiện dòng tiền tập trung xây dựng các dự án đang triển khai.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu FCN của FECON trong năm qua không có nhiều biến động và được giao dịch ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu, với biên độ tăng giảm khoảng 2.000 đồng/phiên.
Tại ngày 31/3, thị giá cổ phiếu FCN đạt 19.650 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa công ty đạt 933 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của FECON, các cổ đông lớn chủ yếu là các tổ chức và quỹ đầu tư như PYN Elite Fund sở hữu hơn 7,4 triệu cổ phiếu (15,63% vốn).
Ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT nắm giữ hơn 3,7 triệu cổ phiếu (7,94% vốn); Groudtech Holding Co.,Ltd sở hữu hơn 2,99 cổ phiếu (6,3%); CTCP Quản lí Quỹ Bông Sen Vàng sở hữu 2,8 triệu cổ phiếu (5,95% vốn)...
DiaOcOnline.vn - Theo Zing
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: