Trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Công ty dịch vụ công ích Q.8 (TP.HCM), việc “hô biến” dự án tái định cư thành nhà ở thương mại là nghiêm trọng nhất...
Dự án tái định cư Trương Đình Hội 2 không chỉ bị “phù phép” thành nhà ở thương mại, mà còn tổ chức thi công không có giấy phép. ẢNH: ĐÌNH PHÚ
|
Chiều 20.11, trả lời Thanh Niên, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP.HCM, cho biết: “Ngay khi Báo Thanh Niên có bài phản ánh, sáng 20.11, UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát về tính pháp lý tất cả các DA mà TP đã giao cho Công ty DVCI Q.8 thực hiện để có hướng xử lý tiếp theo”. Theo ông Hoan, việc thanh tra toàn diện Công ty DVCI Q.8 xuất phát từ chỉ đạo của UBND TP. Do vậy, UBND TP sẽ xem xét kỹ nội dung kết luận mà Thanh tra TP báo cáo trước khi thông qua. |
Q.8 là một trong những địa bàn có nhà ven kênh rạch nhiều nhất TP.HCM với hàng vạn căn. Hơn 10 năm trước, UBND TP.HCM có chủ trương cho phép Công ty dịch vụ công ích (DVCI) Q.8 thực hiện nhiều dự án (DA) nhằm tạo quỹ nhà tái định cư (TĐC) phục vụ chương trình chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều DA đã bị “phù phép”, bất chấp quy định pháp luật.
Điển hình là chung cư cao tầng số 314 Âu Dương Lân (P.3, Q.8) mà Công ty DVCI Q.8 được UBND TP giao làm chủ đầu tư, phục vụ chương trình TĐC và nhà ở xã hội; thực hiện từ 2013 - 2015. Nhưng đến nay DA này vẫn bị “đóng băng”. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, quá trình thực hiện DA này cũng có sai phạm, đặc biệt là triển khai thi công khi chưa có giấy phép xây dựng, việc điều chỉnh DA chưa được UBND TP chấp thuận. Điều đáng nói là cả UBND P.3 và UBND Q.8 không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Xây dựng không phép cũng diễn ra tại một số DA của Công ty DVCI Q.8, trong đó có DA TĐC An Sinh (P.4, Q.8). Khi chưa có giấy phép xây dựng phần thân, nhưng Công ty DVCI Q.8 vẫn tổ chức khởi công với sự tham dự của lãnh đạo Quận ủy, UBND Q.8; sau đó tự triển khai thi công đến tầng 2. Nghiêm trọng hơn, Công ty DVCI Q.8 cũng biến DA này từ chức năng TĐC sang nhà ở thương mại mà không hề có sự cho phép của UBND TP. Ngày 18.11, khi đến thực địa DA trong vai khách hàng tìm hiểu mua căn hộ, chuyên viên tư vấn của DA cho biết: “DA đã bán hết rồi, giá khoảng 1,2 tỉ đồng/căn trở lên”. PV dò hỏi: “DA TĐC mà sao bán được với giá cao thế?”. “Đây là DA thương mại thuần túy, đã bán hết rồi”, chuyên viên tư vấn khẳng định (!).
Vì sao “lạc đà chui lọt lỗ kim”?
Nhiều DA quan trọng với tổng diện tích lên đến khoảng 100.000 m2 đất mà UBND TP giao cho Công ty DVCI Q.8 đều nhằm mục đích TĐC. Tuy nhiên, trên thực tế, các DA đã bị “phù phép” thành đất nền, nhà ở thương mại “khủng”, có dự án vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng.
Theo quy định, chủ đầu tư là Công ty DVCI Q.8 muốn thay đổi mục đích DA hay hợp tác đầu tư với các đối tác, bắt buộc phải lập hồ sơ, báo cáo xin chủ trương của UBND TP; nếu được sự chấp thuận điều chỉnh của UBND TP mới có tính pháp lý để triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Thế nhưng, hầu hết các DA đều bị Công ty DVCI Q.8 bỏ qua các thủ tục pháp lý bắt buộc.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhiều DA bị Công ty DVCI Q.8 “phù phép” xuất phát từ những quyết định “bật đèn xanh” của UBND Q.8. Đơn cử, Quyết định số 8270 ngày 31.12.2013 của UBND Q.8 “bật đèn xanh” cho Công ty DVCI Q.8 phân lô bán nền DA TĐC Trương Đình Hội 3 (P.16, Q.8) với số lượng 98 nền, còn số căn hộ TĐC bị “tụt” từ 1.040 căn theo phương án được TP duyệt ban đầu xuống chỉ còn 336 căn (“hô biến” 704 căn hộ TĐC). Mỗi nền đất từ việc phân chia DA TĐC này được bán với giá đều trên 1 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa rõ nguồn tiền lớn này “trôi” về đâu?
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, những quyết định này của UBND Q.8 cũng chưa tuân thủ chỉ đạo của UBND TP. Chưa kể, tại DA Trương Đình Hội 2 (P.16, Q.8), UBND Q.8 có tới 3 quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết, để rồi trên thực tế, DA này không chỉ bị biến thành nhà ở thương mại rao bán cho khách hàng một cách bất hợp pháp, mà còn tổ chức thi công không có giấy phép.
Cũng theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, Công ty DVCI Q.8 có hàng loạt sai phạm về quản lý sử dụng vốn, tiền, tài sản nhà nước; sửa chữa trụ sở trị giá gần 9 tỉ đồng nhưng không có giấy phép xây dựng, không tổ chức đấu thầu, việc sửa chữa hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng mới phê duyệt hồ sơ mời thầu; đặc biệt là việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện các DA đầu tư, nhiệm vụ công ích...
Những sai phạm trên phần lớn xảy ra trong thời gian ông Nguyễn Hoài Nam làm Giám đốc, ông Đỗ Quốc Phong làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty DVCI Q.8. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề khuất tất từ việc các DA bị biến tướng như ngân sách nhà nước thất thoát bao nhiêu, nguồn lợi từ sự chuyển đổi nhà TĐC sang nhà ở thương mại “trôi” về đâu, trách nhiệm để xảy ra các sai phạm thuộc về ai..., thì kết luận thanh tra không đề cập cụ thể.
Riêng về trách nhiệm của UBND Q.8, kết luận thanh tra khẳng định những sai phạm nêu trên thể hiện sự tùy tiện, xem thường quy định của nhà nước, trong đó có vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát không sâu sát, thiếu kịp thời của UBND Q.8. “Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND Q.8, tập thể Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty DVCI Q.8 thời kỳ liên quan”, kết luận chỉ rõ.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: