Top

70% vốn đầu tư kinh doanh bất động sản là vốn vay ngân hàng

Cập nhật 24/07/2016 09:05

Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay vào khoảng 21 tỷ USD, trong khi tổng dư nợ lại tương đương khoảng 16 tỷ USD, chiếm 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.


Tại hội nghị công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng mới đây, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đã có sự hồi phục, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ bong bóng khi dư nợ tín dụng từng phân khúc không có sự phân bổ hợp lý.

Bộ Xây dựng đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề này, kiểm soát chặt hơn phân khúc nhà ở thương mại... Đồng thời, tới đây Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu cơ chế thúc đẩy phân khúc nhà cho thuê; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, chủ động cân đối ngân sách trung hạn cho phát triển nhà ở xã hội.

Đề cập đến sự đa dạng của cấu trúc nguồn tín dụng cho BĐS Việt Nam hiện nay trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam còn khá non trẻ, quy mô thị trường so với các nước trong khu vực cũng như những nước phát triển trên thế giới còn khá khiêm tốn.

Trong khi những nước phát triển có cấu trúc nguồn tín dụng cho bất động sản khá đa dạng từ các định chế tài chính, từ các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm hay quỹ hưu trí, các dòng vốn FDI, FII,… thì tại Việt Nam cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào hai nguồn chính là từ ngân hàng và vốn huy động từ người dân.

"Quy mô thị trường BĐS Việt Nam chưa phải là lớn so với các nước khác trong khu vực, nhưng điều đáng chú ý là có tới hơn 70% vốn đầu tư kinh doanh BĐS là vốn vay ngân hàng, 65% tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản", VNREA cho biết.

Hiện tại tổng dư nợ bất động sản của Việt Nam vào khoảng 342.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD), chiếm 8% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Nguồn tín dụng còn lại cho bất động sản chủ yếu còn lại là huy động từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ ODA, đầu tư gián tiếp (FII) và FDI.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký VNREA, hiện nay điều cần thiết đó là phải thay đổi lại cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản một cách mạnh mẽ. Bằng việc hình thành hệ thống và tạo điều kiện cho các định chế tài chính, sản phẩm tài chính bất động sản phát triển (REITs), chứng khoán hóa dự án bất động sản, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển thị trường vốn,…Sự ra đời của quỹ REIT cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ