Top

57% đất ở đô thị tại TP.HCM chưa được cấp giấy

Cập nhật 30/11/2011 09:30

Đề xuất các tỉnh, thành phải giao chỉ tiêu cấp GCN hằng năm cho từng huyện, xã.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) của một số loại đất còn thấp so với yêu cầu, nhất là đối với đất ở đô thị và đất ở nông thôn. Riêng TP.HCM còn tới 57% diện tích đất ở đô thị chưa được cấp GCN. Cả nước còn trên 35% diện tích đất ở đô thị chưa được cấp GCN. Đó là thông tin do Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đưa ra tại hội nghị về cấp GCN và đo đạc, lập hồ sơ địa chính, ngày 29-11.

Thủ tục hành chính còn nhiêu khê

Tổng cục Quản lý đất đai đánh giá thủ tục cấp GCN cho người dân ở nhiều địa phương còn phức tạp, có nơi yêu cầu người dân nộp thêm các loại giấy tờ ngoài quy định. Một số địa phương chưa tổ chức đồng bộ việc đo đạc, lập bản đồ địa chính gắn với việc đăng ký, cấp GCN ngay. Còn tình trạng thuê đơn vị tư vấn đo vẽ bản đồ địa chính rồi bàn giao cho huyện, xã tự đăng ký, cấp GCN. Điều này dẫn đến tình trạng bản đồ đo xong nhiều năm nhưng không được đăng ký, cấp GCN như ở các tỉnh Đắk Lắk, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên...

Ngoài thủ tục hành chính, một nguyên nhân nữa làm chậm tiến độ cấp GCN là do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở cấp quận, huyện còn rất thiếu cán bộ. Ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, bày tỏ: “Công việc quá tải ảnh hưởng xấu đến chất lượng thẩm định hồ sơ. Thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện đất đai là do việc cấp GCN sai”.

TP.HCM còn tới 57% diện tích đất ở đô thị chưa được cấp GCN. Ảnh: HTD

Đáng lo ngại là việc quản lý, sử dụng phôi GCN ở một số địa phương còn yếu kém. Thời gian qua đã xảy ra tình trạng mất phôi, dẫn đến gian lận trong cấp GCN…

Cần giao chỉ tiêu cấp GCN

Để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị cần kiểm tra, xử phạt những trường hợp đang sử dụng đất mà không đăng ký quyền sử dụng đất. Cùng đó, các tỉnh, thành phải giao chỉ tiêu cấp GCN hằng năm cho từng huyện, xã.

Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, nhấn mạnh: Việc đo vẽ bản đồ địa chính phải gắn với việc đăng ký, cấp GCN. Cần chấm dứt tình trạng đo vẽ xong bản đồ địa chính mà không thực hiện ngay việc đăng ký, cấp GCN, gây lãng phí ngân sách. Các tỉnh phải bố trí kinh phí, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng thu từ tiền sử dụng đất phục vụ cho việc đo đạc, cấp GCN.

Trong năm 2012, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra việc sử dụng tiền phục vụ cho việc cấp GCN và công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính. Các bộ sẽ tổ chức thanh tra tại một số địa phương thực hiện kém hiệu quả, gây lãng phí đầu tư khi sử dụng nguồn tiền này.




DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP