Luật Quy hoạch vẫn còn gây tranh luận trước khi được đưa ra thảo luận ở Quốc hội ngày 26-5 tới. TBKTSG Online đã phỏng vấn ông VŨ QUANG CÁC, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo dự luật này.
Ông Vũ Quang Các. Ảnh: TH
|
*
Thưa ông, Bộ Xây dựng vẫn luôn bày tỏ lo ngại Luật Quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng đến 13.000 bản quy hoạch xây dựng đã có, gây lãng phí. Là một trong những người soạn thảo Luật Quy hoạch, đâu là luận điểm của ông để thuyết phục họ?
- Ông Vũ Quang Các: Những quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chỉ quan tâm đến mục tiêu, chỉ tiêu mà không quan tâm tới tổ chức không gian phát triển. Trong khi đó, các quy hoạch xây dựng quan tâm tới tổ chức không gian phát triển nhưng không xác định phát triển ở đâu, như thế nào trên quan điểm các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Như vậy, hai hệ thống này không ăn nhập với nhau.
Luật Quy hoạch giúp quy hoạch không gian lãnh thổ, chứ không chỉ dừng ở các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển.
Liên quan đến câu hỏi về 13.000 bản quy hoạch xây dựng, tôi trả lời thế này: trước hết, các nội dung của quy hoạch vùng, vùng liên huyện, liên tỉnh sẽ được tích hợp trong các quy hoạch vùng và tỉnh. Còn các quy hoạch đô thị là quy hoạch đặc thù, ví dụ quy hoạch chi tiết đô thị, phân khu đô thị, thì sẽ vẫn giữ nguyên, và được điều chỉnh trong Luật Quản lý đô thị, và không bị đụng chạm đến trong Luật Quy hoạch. Tóm lại, 13.000 bản quy hoạch xây dựng đó không chịu tác động của Luật Quy hoạch.
Hơn nữa, Điều 69 của Luật Quy hoạch quy định những nội dung quy hoạch phù hợp sẽ được kế thừa trong quy hoạch chung sau này. Như vậy, tất cả những vấn đề Bộ Xây dựng nêu đã được giải quyết.
*
Chả lẽ không có bất kỳ trong 13.000 bản quy hoạch xây dựng đó không bị bỏ đi?
- Đến nay Bộ Xây dựng đưa ra thông tin chung chung, còn cụ thể bao nhiêu bản quy hoạch vùng và đô thị thì họ vẫn chưa chia sẻ với chúng tôi.
Trong Luật Quy hoạch, chúng tôi không có quan điểm bỏ đi quyền lực của bất kỳ cơ quan nào. Vấn đề là các bản quy hoạch trước đây, lên đến gần 20.000, được lập riêng rẽ, không gắn kết. Với Luật Quy hoạch, khi lập quy hoạch chung các cơ quan giờ ngồi lại với nhau để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong quy hoạch của ngành mình với ngành khác, và tìm ra những lựa chọn tốt nhất cho phát triển vùng và quốc gia.
*
Trên quan điểm của Luật Quy hoạch, thì nên nhìn nhận như thế nào về việc xây dựng rất nhiều chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương, hay việc xây các tòa nhà 50 tầng trên khu đất của Triển lãm Giảng Võ ở Hà Nội?
- Các nước có hai hệ thống quy hoạch là quy hoạch không gian lãnh thổ và quy hoạch đô thị nông thôn, và làm gì cũng căn cứ vào hai hệ thống đó.
Ví dụ, tôi đến Toronto, Canada, thì họ cho biết cần tăng chiều cao các công trình để tận dụng lợi thế hạ tầng đã phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện hạ tầng chưa cho phép thì họ để lại các khu đất đó. Khi tôi sang Nhật Bản, họ có quy hoạch xây dựng một cảng biển từ năm 1960 nhưng đến nay khu đất đó chỉ để giữ xe, mà không được triển khai vì hạ tầng chưa cho phép. Tức là họ quản lý rất chặt chẽ.
Kinh nghiệm quốc tế như vậy có thể áp dụng với việc phát triển ở khu đất Giảng Võ, hay tuyến đường Lê Văn Lương.
*
Các quy hoạch ngành, sản phẩm sẽ bị bỏ đi. Trong quá trình đó, làm sao ông thuyết phục được các bộ, ngành và địa phương?
- Có lần tôi đến Sở Nông nghiệp Bắc Giang, họ trình bày nhờ có quy hoạch chăn nuôi mà đã loại bỏ được tám dự án nuôi heo. Tôi nói, như vậy là các anh đã làm lỡ đi cơ hội đầu tư của nhà đầu tư đó, của địa phương. Thay vì quy hoạch chăn nuôi, các anh nên đưa ra quy định tiêu chuẩn, tiêu chí cho trang trại heo.
Ở TPHCM có doanh nghiệp kinh doanh du lịch muốn mở các điểm karaoke nhưng các cơ quan quản lý trả lời, theo quy hoạch ở thành phố thì hết rồi. Một tỉnh khác thì đưa ra chỉ tiêu cấp phép ngần này quán karaoke và chia đều cho các phường. Lẽ ra chỉ cần quy định về điều kiện, quy chuẩn như phòng cháy, cách âm,… là đủ.
Hiện nay, bỏ quy hoạch sản phẩm được đồng thuận rất cao vì các quy hoạch đó không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể bỏ qua vai trò quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này, vì thế cần ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn để quản lý.
*
Phía Quốc hội có quan điểm cho rằng, cần phải sửa 32 luật liên quan trước khi thông qua Luật Quy hoạch. Ông có thể nói gì?
- Theo tôi, không nên đặt vấn đề quả trứng và con gà. Nếu không có Luật Quy hoạch thì lấy đâu ra cơ sở để sửa 32 luật kia? Cơ quan soạn thảo kiến nghị dùng một luật sửa 32 luật. Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1-1-2019 nên có thời gian hai năm rưỡi để hoàn thành công việc này.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong giai đoạn 2011-2020 xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia trong các ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các quy hoạch như thương nhân xuất khẩu gạo, cơ sở kinh doanh thuốc lá, tổ chức hành nghề công chứng, làng nghề sản xuất rượu, mạng lưới buôn bán thuốc lá, cá rô phi, dưa hấu... sẽ bị loại bỏ.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: