Sự hấp dẫn của Vaux le Vicomte không chỉ là những thành tựu tiêu biểu cho nghệ thuật Baroque của thế kỷ 17, mà còn ở cuộc đời đầy bị kịch của chính chủ nhân của nó.
Nếu ai đã từng bị mê hoặc bởi những tác phẩm của Alexandre Dumas thì hẳn sẽ không bỏ qua bộ phim Người mang mặt nạ sắt (The Man in the Iron Mask) do Leonardo DiCaprio thủ vai chính. Trong phim, những đại cảnh xa hoa, tráng lệ về triều đại Louis XIV được tái hiện trong vườn thượng uyển tuyệt đẹp hay trong hoàng cung cổ kính… đều được thực hiện tại lâu đài Vaux le Vicomte, cách Paris 55km, một trong những lâu đài cổ đẹp nhất nước Pháp, được xem như “người anh cả” của cung điện Versailles.
Lối vào
|
Để thể hiện sự thành công trên chính trường, Nicolas Fouquet (1615 -1680), Bộ trưởng Tài chính thời vua Louis XIV, đã dồn tất cả tâm huyết và tiền bạc xây dựng nên lâu đài mang phong cách Baroque này. Bắt đầu xây dựng năm từ 1658, hoàn thành năm 1661, Vaux le Vicomte là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc cung điện và vườn cảnh.
Trải dài 3km, khu vườn hoa được nhà thiết kế vườn cảnh Le Notre phân thành nhiều bậc nối tiếp nhau, nhìn từ trên cao, những thảm hoa – cỏ đan xen nhau, được cắt tỉa khéo léo thành những hoa văn như họa tiết trang trí trên thảm Thổ Nhĩ Kỳ, những đài phun nước hình tròn hoặc hồ đa giác được phân bố dọc theo lối đi chính theo trục Bắc – Nam, chia đôi khuôn viên thành hai nửa đối xứng hài hòa. Bằng việc ứng dụng luật phối cảnh và hiệu ứng ảo ảnh thị giác, thiết kế của Le Notre luôn làm choáng ngợp người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên và khiến họ không thể dừng bước cho đến tận cuối vườn, nơi sừng sững tượng thần Hercules dũng mãnh. Ngược lại, khi trở về thì điểm cuốn hút chính là tòa lâu đài cổ kính, đang trầm mặc soi bóng.
Toàn cảnh trước và sau
|
Nicolas Fouquet đã thành công khi quy tụ được những chuyên gia kiệt xuất nhất của thời bấy giờ để xây dựng Vaux le Vicomte; kiến trúc sư Louis Le Vau – họa sĩ trang trí nội thất Charles Le Brun – nhà thiết kế vườn cảnh André Le Nôtre và họ đã khai sinh một phong cách mới khi phối hợp hài hòa giữa kiến trúc cung điện, nghệ thuật trang trí và vườn cảnh cho một công trình, mà cung điện Versailles là thành tựu đỉnh cao của bộ ba thiên tài này.
Một số chi tiết và nội thất
|
Nhưng sự nguy nga lộng lẫy của tòa lâu đài cũng là nguyên nhân để cuộc đời Nicolas Fouquet trở thành bi kịch: Ngày 17-8-1661, với sự tham dự của vua Louis XIV cùng hoàng gia, lễ khánh thành được long trọng tổ chức. Sau vở nhạc kịch Les Facheux của Molière là những màn biểu diễn pháo bông rực rỡ tưởng như bất tận, không ai ngờ đó là những giây phút tự do cuối cùng của Nicolas Fouquet. Giàu sang vượt trội đã tạo nên sự ganh ghét, đố kỵ của hoàng gia, ba tuần sau đó, ông bị d’Artagnan bắt giữ tại Nantes cùng quyết định tịch biên toàn bộ tài sản do vua Louis XIV ban hành và ông trải qua phần đời còn lại trong lao tù.
Mặt sau lâu đài Vaux le Vicomte qua đài phun nước
|
Sự hấp dẫn của Vaux le Vicomte không chỉ là những thành tựu tiêu biểu cho nghệ thuật Baroque của thế kỷ 17, mà còn ở cuộc đời đầy bị kịch của chính chủ nhân của nó, được nhà văn Voltaire tóm tắt vỏn vẹn trong một câu: “Ngày 17-8, lúc 6 giờ chiều thì Fouquet là vua của nước Pháp, nhưng đến 2 giờ sáng thì ông ta không là gì cả”.
DiaOcOnline.vn - Theo Kiến trúc Nhà đẹp
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: