Nhắc đến Vatican người ta nghĩ ngay đến một vương quốc nhỏ bé nằm trong lòng thành Rome, nổi tiếng về những kiến trúc độc đáo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm và các nhà nghiên cứu nghệ thuật, lịch sử tôn giáo bởi những công trình nghệ thuật trác tuyệt...
Quảng trường nghệ thuật
Trước khi bước vào lãnh địa Vatican, bạn sẽ đi qua quảng trường St.Peter - quảng trường cổ kính nổi tiếng thế giới. Giữa quảng trường là cột tháp cao 25m, nặng 320 tấn do Domenico Fontana thiết kế theo sắc lệnh của giáo hoàng V (1585-1590) và hai cột đèn dầu (cột bên phải do Maderno thiết kế năm 1613 và cột bên trái do Carlo Fontana thiết kế năm 1675) tạo nên nét độc đáo hài hòa và kỳ vĩ cho trung tâm quảng trường.
Toàn cảnh Vatican
Đến thời giáo hoàng Alexander VII (1655-1667), nhằm mục đích mở rộng mặt tiền nhà thờ để hàng nghìn người có thể nhìn thấy và được giáo hoàng ban phước, kiến trúc sư thiên tài Gian Lorenzo Bernini đã kiến thiết mặt tiền thành một hình êlip với bốn hàng cột bao bọc quảng trường ngay đầu lối vào. Những dãy cột này được trang trí bởi 140 pho tượng thánh, tượng trưng cho hai cánh tay lớn của giáo đường luôn mở rộng để đón nhận toàn thể loài người.
Tòa thánh Vatican nhìn từ bên ngoài
Năm cửa ra vào của thánh đường St.Peter hướng ra quảng trường, tương ứng với năm gian trong thánh đường. Cửa thứ nhất từ trái sang là cửa tử do Manzu thiết kế - tượng trưng cho sự hi sinh của chúa Jésus, Đức mẹ Maria và giáo hoàng John XXII (1952-1964).
Cửa đồng ở giữa do Filarete phỏng theo phong cách của giáo đường ở Florence. Cửa thánh thần ở ngoài cùng bên phải và chỉ 25 năm mới mở một lần. Hai cửa còn lại là cửa thiện - ác và cửa ban thánh lễ do Minguzzi và Crocetti thiết kế.
Vatican nhìn từ trên cao
ST. Peter - thánh đường huyền thoại
Được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 4 (sau Công nguyên) do hoàng đế Constantine, vị hoàng đế La Mã mộ đạo Thiên Chúa đầu tiên, xây dựng ngay dưới chân đồi Vatican.
Khu thánh đường nguy nga, tráng lệ này được thiết kế ôm trọn ngôi mộ của thánh Peter với mái vòm cao 136m do chính Michelangelo thiết kế, gồm năm gian giữa rộng lớn và một cung thờ cắt ngang.
Toàn bộ chiều dài bên trong của thánh đường là 186,36m, chiều dài bên ngoài (gồm cả mái cổng) là 211,5m với chiều cao là 119m chưa kể 17m chiều cao của cổng trời (phần kiến trúc được thiết kế bên trên, làm bệ cho cây thập giá).
Gian thờ tự phía trong cùng của thánh đường chính là ngôi mộ của thánh Peter, nơi quan trọng và linh thiêng nhất thu hút sự quan tâm của hàng triệu tín đồ Thiên Chúa mỗi lần viếng thăm.
Một góc thánh đường St. Peter
Tương truyền năm 67 sau Công nguyên, thánh tông đồ Peter là người đầu tiên truyền bá đạo Thiên Chúa vào La Mã và đã bị đóng đinh tại đấu trường Nero. Thi hài của ông được các tín đồ an táng trong một ngôi mộ bí mật tại nghĩa trang gần đó.
Cái chết vì đạo của thánh tông đồ Peter là một sự kiện đánh dấu sự bất diệt đối với mảnh đất này. Sau khi vị hoàng đế bạo ngược Nero bị giết, khu nghĩa trang đồi Vatican đã trở thành miền đất linh thiêng.
Kể từ khi thánh đường được xây dựng người ta vẫn hoài nghi “Liệu đây có phải là mộ của thánh Peter?”. Cho đến năm 1968, giáo hoàng Paul VI chính thức tuyên bố với thế giới “di hài trong ngôi mộ là của thánh Peter”.
Cùng với hàng loạt cuộc khảo cứu của các nhà khảo cổ học người ta tìm ra được những bức tường cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên có đề dòng chữ “Petre..en” mà sau này các nhà ngữ văn đã giải mã đó là dòng chữ “Peter is here” (Peter ở đây - theo tiếng Hi Lạp) thì mọi sự việc mới được ngã ngũ.
Bước chân vào thánh đường dù bạn là ai cũng cảm nhận được bầu không khí tĩnh lặng, tôn nghiêm bao trùm không gian rộng lớn. Trong toàn thánh đường hiện lưu giữ 44 án thờ, 27 nhà thờ nhỏ, 800 chúc đài treo, 390 bức tượng, 135 bức khảm và hàng nghìn viên gạch làm bằng đá hoa cương lát dưới nền nhà.
Gạch lát trong thánh đường
Thánh đường tuy được trùng tu lại một vài lần nhưng vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ xưa. Những họa tiết trên tường, trên cột là minh chứng cho những tài năng nghệ thuật trác tuyệt của các kiến trúc sư, danh họa đương thời.
Cho đến nay, thánh đường Peter vẫn được xem là một thánh đường cổ kính và lớn nhất thế giới.
Nghệ thuật vĩnh hằng
Cùng với những công trình kiến trúc vĩ đại gắn liền với tên tuổi của những tài năng danh tiếng, Vatican còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của mỹ thuật, hội họa và văn học… Trong số đó, đầu tiên phải kể đến nhà nguyện Sistine. Được xây dựng vào những năm 1475 - 1483 theo lệnh của giáo hoàng Sixtus IV.
Tượng mẹ Maria và chúa Jésu ở nhà nguyện Sistine
Có thể nói nhà nguyện Sistine là phòng trưng bày vĩ đại nhất các tác phẩm nghệ thuật hội họa thời kỳ Phục hưng của các danh họa nổi tiếng như: Perugino, Botticelli, Ghirlandaio, Cosimo Roselli… Tiêu biểu nhất là hai bức bích họa của Michelangelo.
Bức thứ nhất chiếm trọn hơn 800m² trần nhà nguyện Sistine được Michelangelo thực hiện ròng rã trong suốt bốn năm (1508-1512). Bức bích họa này được vẽ trên bức tường phía sau nhà nguyện Sistine, mô tả các thuyết từ kinh Cựu ước.
Kiệt tác thứ hai: The last judgement (Ngày phán xét cuối cùng) - Michelangelo phải mất tới 6 năm (1535-1541) mới hoàn thành được kiệt tác này.
Bức bích họa "The Last Judgement" - Ngày phán xét cuối cùng
Ngoài những công trình vĩ đại kể trên, Vatican còn có rất nhiều công trình nghệ thuật khác. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, bao thăng trầm và đổi thay của lịch sử, những công trình nghệ thuật đó vẫn có sức hút kỳ lạ đối với bao du khách mỗi lần ghé thăm.
Vatican được công nhận là một quốc gia độc lập vào ngày 11-2-1929 theo hiệp ước Lateran giữa chính quyền Mussolini và giáo hoàng Pius XI. Dù chỉ rộng chừng 44ha với số dân vỏn vẹn 1.000 người nhưng Vatican thật sự là một vương quốc giàu có và đầy quyền năng với một bộ máy hành chính hoàn hảo gồm: Bộ Ngoại giao, báo chí, quân đội, bưu chính, đài phát thanh và viện hàn lâm khoa học giáo hoàng…
DiaOcOnline.vn - Theo Du Lịch
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: