Quá trình phát triển nền kiến trúc cổ Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Những công trình kiến trúc cổ hầu hết được xây dựng trong thời kỳ phong kiến - chủ yếu là trước thế kỷ 19.
Dù là công trình nhỏ bé như kiến trúc dân gian hoặc đồ sộ, phức tạp như kiến trúc cung đình, vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương đã được khai thác và sử dụng phổ biến và rộng khắp: tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá..., sau này còn có các vật liệu khác như gạch, ngói, sành, sứ... Hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước, tương quan về tỷ lệ và qua đó, những nghệ nhân trước đây đã sáng tạo ra một thức kiến trúc riêng biệt trong kiến trúc cổ và dân gian Việt Nam.
Kiến trúc cổ Việt Nam được chia thành các loại hình như sau:
I. Kiến trúc quân sự - quốc phòng.
Đây là loại hình kiến trúc bao gồm thành lũy, pháp đài, đồn, cửa ô... Những kiến trúc quân sự quốc phòng cổ Việt Nam có mặt bằng bố cục gồm các hình như: hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác đều, hình tròn, hình ngôi sao và những hình đặc biệt khác. Vật liệu xây dựng các loại hình kiến trúc này rất phong phú. Ở miền núi, người ta sử dụng phiến đá xanh có đẽo gọt hoặc không; ở miền trung du, người ta sử dụng đá ong; ở miền đồng bằng sử dụng đất hoặc gạch và vôi vữa xây thành.
1. Thành Cổ Loa:
- Thành Cổ Loa ( Đông Anh - Hà Nội ) theo tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành có 3 vòng, trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau dưới thời Ngô Quyền. Chu vi ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4 m-5 m, có chỗ cao đến 8 m-12 m. Chân lũy rộng 20 m-30 m, mặt lũy rộng 6 m-12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.
Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5 m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6 m-12 m, chân rộng từ 20 m-30 m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy.
Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10 m, mặt thành rộng trung bình 10 m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.
Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000 m, cao trung bình 3 m-4 m (có chỗ tới hơn 8 m).
Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung, là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ.
Dấu tích thành Cổ Loa tại xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.
Đền thờ An Dương Vương. |
Trong cấu trúc chung của thành Cổ Loa còn có một yếu tố khác làm phong phú thêm tổng thể kiến trúc này. Đó là những gò đất dài họặc tròn được đắp rải rác giữa các vòng thành hoặc nằm ngoài thành Ngoại. Không biết được có bao nhiêu ụ, lũy như thế, nhưng một số được dân chúng gọi là Đống Dân, Đống Chuông, Đống Bắn... Các ụ, lũy này được dùng làm công sự, có nhiệm vụ của những pháo đài tiền vệ, phối hợp với thành, hào trong việc bảo vệ và chiến đấu. Đây cũng là một điểm đặc biệt của thành Cổ Loa.
Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh. Nhờ ba vòng hào thông nhau dễ dàng, thủy binh có thể phối hợp cùng bộ binh để vận động trên bộ cũng như trên nước khi tác chiến.
Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, sống gần như cô lập hẳn với cuộc sống bình thường. Xã hội đã có giai cấp rõ ràng và xa hội có sự phân hóa giàu nghèo rõ ràng hơn thời Vua Hùng.
Giếng Ngọc trước cửa đền An Dương Vương ở Cổ Loa. |
Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa hồi chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo, tất cả những điều làm chứng nghệ thuật và văn hóa thời An Dương Vương. Hàng năm, vào ngày 6 tháng giêng âm lịch, cư dân Cổ Loa tổ chức một lễ trang trọng để tưởng nhớ đến những người xưa đã có công xây thành, và nhất là để ghi ơn An Dương Vương.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn kiến trúc
Ảnh: Internet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: