Top

Công trình cải tạo nhà quốc hội Đức - KTS Norman Foster (phần 1)

Cập nhật 27/08/2007 13:59

Sự khó khăn đặc biệt ở chỗ phải giữ gìn nguyên kích thước của các di vật, chi tiết kiến trúc cần giữ lại nhưng không ảnh hưởng đến việc bố trí xây dựng thêm những không gian làm việc, hội họp cũng như lắp đặt các thiết bị hiện đại với tiến độ xây dựng nhanh nhất.

Tới lúc này, công trình đã một lần được cải tạo năm 1971 do KTS Baumgarten thiết kế (Thời kỳ CHDC Đức). Khi tiến hành thiết kế cải tạo lần này, vấn đề đặt ra hàng đầu cho Foster là việc bố trí sắp đặt và việc tổ chức không gian các phòng chức năng, nơi mà hàng ngày có hàng trăm người đến làm việc, hội họp và có lúc có hàng ngàn người đến thăm quan. Việc sắp đặt và bố trí hoạt động nhà Quốc hội được tuân thủ theo nguyên tắc: bố trí phân chia các phòng theo nhóm sử dụng:

Nhóm 1: Các nghị sĩ

Nhóm 2: Các viên chức và nhân viên phục vụ

Nhóm 3: Nhà báo, phóng viên, khách tham quan

Ba nhóm này có lúc hoạt động riêng rẽ, có lúc lại tập trung trong không gian lớn của toàn nhà. Foster đã bố trí các phòng cho các nhóm hoạt động như sau:

Tầng hầm: Các thiết bị điều khiển và cung cấp năng lượng

Tầng trệt: Các phòng kỹ thuật và phụ trợ

Tầng 1:
Sảnh đón tiếp, lối vào chính cho các nghị sĩ, phóng viên báo chí và khách tham quan. Phòng họp lớn của nghị viện và các thành viên chính phủ, văn phòng làm việc các Đảng phái

Tầng lửng: Dành cho khách tham quan, du lịch

Tầng 2: Văn phòng làm việc, phòng tiếp đón của Chủ tịch Quốc hội và hội đồng nguyên lão

Tầng 3:
Các phòng làm việc, phòng họp nhỏ của các Đảng phái, sảnh báo chí

Tầng mái: Không gian công cộng cho khách tham quan



Phòng họp lớn cho Nghị viện và các thành viên Chính phủ được bố trí tại vị trí trung tâm của toà nhà với 750 chỗ. Đây cũng là phần cải tạo lớn nhất của ngôi nhà. Trong làn cải tạo trước (thời CHDC Đức), KTS Baumgarten đã quay phòng họp lại 1800 so với thiết kế của Wallot, cùng với nó là các sảnh, lối vào cũng bị thay đổi. Mái vòm bị hỏng nặng được thay thế bằng giàn mái không gian phẳng cho phòng họp lớn.

Trong phương án thiết kế cải tạo lần này của Foster, phòng họp lớn được mở rộng và bố trí ngay sảnh chính phía Tây. Phần bậc dốc thấp hơn sảnh 1,4m và bố cục theo hình elíp với 669 chỗ ngồi cho nghị sĩ và 81 thành viên Chính phủ. Phần bậc ngồi cho khán giả là ban công nhô ra từ tầng lửng với 400 chỗ. Chiều cao phòng là 8m và diện tích phòng là 1200m2. Ở đây thể hiện một quan điểm: phòng họp lớn không còn là nơi làm việc riêng của quốc hội và chính phủ.

Ở CHLB Đức ngày nay, các nghị sĩ có thể bỏ phiếu cho một dự luật, kiểm tra công tác của chính phủ phải có sự tham gia trợ giúp của các nhà chuyên môn, nhà khoa học dưới sự theo dõi công khai của Nhân dân, của báo chí cũng như của các Đảng phái. Từ quan điểm đó, Foster đã tạo nên một phòng họp lớn với một không gian mở, trong suốt với việc bố trí các mảng tường kính lớn bao quanh phòng họp này.

Các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, phóng viên báo chí cũng như khách tham quan có thể theo dõi mọi hoạt động diễn ra của quốc hội từ các phía xung quanh của phòng họp. Cánh phóng viên từ sảnh báo chí ở tầng 3 còn có thể quan sát phòng họp phía dưới, đồng thời có thể gặp gỡ, trao đổi và phỏng vấn với các thành viên Đảng phái, các Nghị sĩ ở quán cà phê bố trí ngay tại tầng này.

Tổ chức giao thông của ngôi nhà dựa theo nguyên tắc: đơn giản, rõ ràng và dễ tiếp cận. Từ sảnh chính ở phía Tây, khách du lịch, báo chí thông tấn và các nghị sĩ có thể tiếp cận ngay phòng họp lớn và lên tầng 2 bởi cầu thang máy. Lối vào riêng hàng ngày cho các nghị sĩ và các nhân viên được bố trí ở phía Đông canhj đường Friedrich Erbert.

Các phòng làm việc và phòng họp nhỏ được bố trí theo nhóm sử dụng và bố trí tiếp xúc mặt ngoài của ngôi nhà. Từ tầng 2, không gian còn được bổ sung thêm 2 giếng trời lấy ánh sáng và thông gió cho các phòng. Chỉ có các phòng họp ở tầng 3 là lấy ánh sáng từ trên mái xuống vì không thể mở cửa qua các bức tường đá đã xây dựng dày 2m. Tầng mái của toà nhà được sử dụng như một không gian công cộng.

Từ đó khách tham quan có thể đi vào vòm mái kính và bằng đường dẫn xoắn ốc quan sát chiêm ngưỡng toàn cảnh Thành phố Berlin hay vào các Restaurant nhỏ trên mái, nơi khách tham quan và các nghị sĩ có thể ngồi ăn chung. Việc thiết kế vòm mái kính này rất công phu. Riêng việc lựa chọn thiết kế, Foster đã đưa ra rất nhiều phương án lựa chọn khác nhau.

Vòm mái kính có đường kính đáy là 40m; cao 23,5m cấu tạo từ 24 khung xương bằng thép hợp kim và 17 vòng thép tròn liên kết và nặng 800 tấn. Bao bọc cho nó là các cửa ô kính 2 lớp xếp theo hình vảy cá với diện tích khoảng 3000m2. Đường xoắn ốc bên trong được xây dựng bằng kết cấu thép dài 230m, dốc 80 dành cho người đi bộ và khách tham quan.

Công việc trang trí nội thất của nhà Quốc hội được thực hiện bởi rất nhiều hãng khác nhau. Theo yêu cầu xây dựng, nội thất phải được trang trí hấp dẫn, đa dạng, mang phong cách trẻ trung hiện đại; Ở đây, Foster đã kết hợp việc sử dụng các vật liệu trang trí truyền thống và hiện đại một cách nhuần nhuyễn. Các sảnh lớn, cầu thang và các cầu nối ở tầng lửng bằng kết cấu đá được giữ lại nguyên bản và tôn tạo cùng với việc bổ sung các bộ phận, chi tiết kiến trúc mới, kết cấu nhẹ (kính, kim loại hợp kim, bê tông trần tạo cảm giác trong suốt, nhẹ, tương phản với kết cấu xây đá.

Sàn các phòng, hành lang được lát đá có tông màu trung gian làm tôn lên vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật. Nội thất bên trong mỗi phòng hội thảo nhỏ ở tầng 3 được sơn một màu khác nhau với màu sắc ấm cúng, hấp dẫn phù hợp với các tác phẩm nghệ thuật trang trí cho từng phòng. Màu sơn cho khung cửa đi của từng tầng cũng khác nhau. Màu xanh da trời cho phòng họp lớn, màu xanh lá cây cho các phòng tầng lửng, màu đỏ sẫm cho các phòng ở tầng 2 và màu vàng cho các phòng ở tầng hầm.




Đồ gỗ nội thất cho các phòng cũng khác nhau và do nhiều hãng đảm nhiệm, thậm chí, những bàn làm việc, ghế ngồi hay salon được sản xuất theo mẫu thiất kế của của Le Corbusier, Charles Eames hay Mies Van de Rohe từ những năm 1929 chúng ta cũng thấy có mặt ở đây.

Việc tôn tạo các giá trị lịch sử của ngôi nhà, các di vật, các chi tiết trang trí kiến trúc được các chuyên gia phục chế thực hiện bằng kỹ thuật tiên tiến nhất. Khách tham quan đi trên các hành lang cầu nối bằng hợp kim có thể chiêm ngưỡng những di vật lịch sử này như vòm cuốn trần trang trí hay những phiến đá có khắc chữ lưu niệm cảu quân đội Xô Viết khi chiếm cứ toà nhà…Tổng cộng gần 8 triệu DM được dành cho việc trang trí nghệ thuật ở đây. Công việc trang trí này được giao cho 4 hoạ sĩ của 4 nước đồng minh thắng trận trong thế chiến thứ 2 (Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô).




Giải pháp lựa chọn cung cấp năng lượng và thông gió cho mọi hoạt động của toà nhà được kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật cao. Cung cấp điện cho toà nhà được thực hiện bởi một máy phát nhiệt điện - sưởi (loại máy kết hợp cả 2 chức năng trên) chạy bằng dầu thực vật (Biodiesel). Với loại dầu này, khí thải Dioxit Carbon ra môi trường xung quanh giảm 440 tấn mỗi năm. Năng lượng nhiệt thừa sinh ra từ máy nhiệt điện được dùng để điều hoà không khí cho toà nhà và các nhà làm việc của chính phủ xung quanh.

Dưới toà nhà bố trí 2 bể chứa nước tự nhiên trong các khoang rỗng trong lòng đất. Nhiệt thừa dưới dạng nước nóng đi qua 2 đường ống xuống bể chứa sâu 300m dưới lòng đất và mùa đông được bơm lên sưởi ấm các phòng. Ngoài ra, lượng nhiệt thừa (sau khi qua hệ thống sưởi) được dẫn qua máy làm lạnh xuống 50C và cũng được dẫn xuống bể thứ 2 sâu 60m, mùa hè được bơm lên làm mát cho công trình.Vòm mái hiện đại, trong suốt không chỉ là biểu tượng cho sự kết hợp quá khứ và hiện tại mà còn là một bộ phận kỹ thuật quan trọng cho việc cung cấp năng lượng và thông gió.

Ngoài chức năng điều tiết ánh sáng tự nhiên cho phòng họp lớn thông qua hệ thống 360 gương phản chiếu  nhằm giảm năng lượng điện tiêu thụ, các tế bào quang điện của pin mặt trời bố trí trên các lớp kính cung cấp nguồn điện 40kw/h để chạy và điều khiển hệ thống thông gió toàn nhà. Khí sạch cho ngôi nhà được cung cấp thông qua hệ thống giếng hút đặt ở phía Tây toà nhà. Từ đây, không khí sạch được dẫn đến phòng họp lớn và cung cấp cho nó thông qua những miệng thổi đặt dưới sàn ghế ngồi. Khí thải từ phòng họp lớn được hút lên trần phòng họp bằng hệ thống hút và thải ra ngoài.

Hệ thống cửa sổ ở đây cũng được chế tạo đặc biệt, mặt kính phủ lớp chống chói, có 2 lớp kính tạo khả năng cách nhiệt tốt đồng thời cung cấp khí sạch cho các phòng và có thể mở bằng tay hoặc thông qua hệ thống điều khiển tự động.

Các thông số chính: Công trình cải tạo nhà Quốc hội Đức – KTS Norman Foster

Cải tạo nhà Quốc hội Đức là nhiệm vụ khó khăn đặt ra cho các nhà thiết kế và thi công công trình, đòi hỏi sự nhìn nhận một cách trách nhiệm với các di vật, chi tiết lịch sử cửa toà nhà.

    - Tổng diện tích sàn         : 61.166 m2

    - Tổng diện tích làm việc  :11.200 m2

    - Tổng chiều dài nhà        :137,4 m

    - Tổng chiều rộng nhà      :93,9 m

    - Chều cao nhà                 :47 m

    - Khởi công                      :6/1995

    - Cất nóc                          :18/09/1997

    - Khánh thành                   : 9/04/1999

    - Tham gia xây dựng        : 25 Công ty xây dựng

    - Chóp lấy sáng: Hình nón, nặng 300 tấn với đường kính phần nhọn 2,5m; phần đáy lớn 16m cấu tạo bởi 360 gương phản quang và được điều khiển bằng computer theo biểu đồ ánh sáng mặt trời và hoạt động nhờ các pin mặt trời lắp trong hệ thống.

     - Vòm mái kính: mái vòm kính cao 23,5m; đường kính đáy 40m, nặng 1200 tấn; trong đó riêng kết cấu thép là 700 tấn được bọc bởi 300m2 kính an toàn 2 lớp, kích thước mỗi tấm 5,10m x1,8m.



>> Công trình cải tạo nhà Quốc hội Đức – KTS Norman Foster (phần 2)

Theo Wedo