Top

Tín dụng chỉ tăng 2-3% thậm chí còn âm, vì sao các ngân hàng vẫn báo lãi kỷ lục?

Cập nhật 23/08/2018 13:31

Tín dụng tăng mạnh giúp ngân hàng có lãi cao là điều tất yếu. Song trường hợp của các ngân hàng tín dụng tăng trưởng rất thấp mà lợi nhuận vẫn cao, thậm chí cao nhất từ trước tới nay là điều khá bất ngờ.


Theo báo cáo tài chính đã soát xét, trong nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng trên 10% như SCB, ACB, Vietcombank, MB, VietABank, VietBank…, thậm chí có những nhà băng gần như cạn "room" tín dụng do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, điển hình như LienVietPostBank, TPBank, HDBank. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều ngân hàng có tín dụng chỉ tăng rất ít, thậm chí chưa được 20% so với kế hoạch cả năm, chẳng hạn Techcombank mới đạt 2,6%, Vietcapital 2% (trong khi chỉ tiêu khoảng 14%), hay có ngân hàng còn không tăng cho vay nổi khiến cho tín dụng âm như PGBank và Eximbank.

Nhìn chung trong cơ cấu doanh thu, hoạt động dịch vụ đã gia tăng tỷ trọng đáng kể ở các ngân hàng thời gian qua, song tín dụng vẫn chiếm đa số và là nguồn thu chủ yếu mang về lợi nhuận. Chính vì thế việc tín dụng tăng mạnh giúp ngân hàng có lãi cao là điều tất yếu. Song trường hợp của các ngân hàng tín dụng tăng trưởng rất thấp mà lợi nhuận vẫn cao, thậm chí cao nhất từ trước tới nay là điều khá bất ngờ. Vậy nhờ đâu các ngân hàng lại có lợi nhuận cao đến vậy?

Đầu tiên là Eximbank, theo báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm ngân hàng này lãi trước thuế tới 921 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2017. Trong cơ cấu doanh thu, dù cho tín dụng tăng trưởng âm nhưng vẫn đem về khoản thu nhập lãi thuần gần 1.500 tỷ đồng, chiếm gần 64% trong tổng doanh thu. Các hoạt động khác như ngoại hối, dịch vụ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tuy nhiên "phao cứu sinh" giúp cho Eximbank lãi đột biến lại đến từ khoản thoái vốn khỏi Sacombank. Báo cáo tài chinh cho biết thoái vốn từ Sacombank giúp ngân hàng ghi nhận 512 tỷ đồng vào lãi, nhờ thế sau khi trừ đi chi phí, ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro là 1.081 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng giảm phần trích lập dự phòng so với cùng kỳ, qua đó giữ được mức lợi nhuận ở con số cao nhất kể từ khi ngân hàng rơi vào vòng xoáy đi xuống vào năm 2012.

Tiếp theo là trường hợp của PGBank. Theo báo cáo tài chính, mặc dù tín dụng âm đến hơn 3% trong 6 tháng đầu năm nay và so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng có 6% nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng tới 24,5% so với cùng kỳ đạt 434 tỷ đồng. Điều này có thể nhờ lãi suất cho vay tốt hơn, cũng có thể bởi ngân hàng đã làm tốt công tác thu hồi nợ.

Trong khi tín dụng giảm thì PGBank lại hoạt động tích cực ở các mảng khác như dịch vụ hay kinh doanh ngoại hối với lợi nhuận đến từ nhóm này đều cao gấp đôi, gấp ba lần cùng kỳ. Kết quả là, dù phải tăng nguồn dự phòng rủi ro thêm 28% song lợi nhuận trước thuế vẫn ghi nhận xấp xỉ 100 tỷ đồng, tăng 71% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Techcombank trong khi đó là câu chuyện khác. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.200 tỷ đồng- cao nhất từ trước tới nay. Điều đặc biệt, ngân hàng vẫn lãi nhiều nhất nhóm cổ phần tư nhân ngay cả khi tín dụng – nguồn thu chính – chỉ tăng có 2,6%, bằng chưa đến 20% so với chỉ tiêu cả năm, trong khi các ngân hàng khác như MB, ACB, VIB, VPBank đều đã tăng trưởng tín dụng trên dưới 9%.

Báo cáo tài chính cho thấy so với cùng kỳ 2017 thì tín dụng của Techcombank tăng trưởng 26% và thu nhập lãi thuần tăng 15% đạt hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 58% trong tổng doanh thu. Tỷ trọng này đã giảm đáng kể so với con số xấp xỉ 70% trước đây.

Điểm khác biệt của Techcombank là ngân hàng này có đa dạng các hoạt động phi tín dụng (đóng góp 42% tỷ trọng) và hoạt động nào cũng ghi nhận lợi nhuận tăng đáng kể. Chẳng hạn thu nhập từ dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ và đóng góp 13,6% vào tổng doanh thu, thu nhập khác đạt 1.488 tỷ đồng tăng 33% so với cùng kỳ; hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 66%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng gần 4 lần; thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 2,5 lần…Nhờ đa dạng dịch vụ nển ngân hàng đang có tỷ suất sinh lời tốt nhất hệ thống, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) lần lượt đạt 24,32% và 3,16%.

Bên cạnh đó ngân hàng còn trích lập dự phòng rủi ro ít và kiểm soát tốt chi phí. Trong 6 tháng đầu năm, dự phòng rủi ro chỉ ở mức 1.044 tỷ đồng, bằng chưa đến một nửa so với cùng kỳ năm trước. Có được điều này là bởi Techcombank trong năm 2017 đã thực hiện trích lập dự phòng 100%- xử lý xong dứt điểm phần nợ xấu đã bán cho VAMC, nên năm nay không phải trích lập như các ngân hàng khác. Tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động (CIR) chỉ ở mức 27,9% - thấp nhất hệ thống, trong khi các ngân hàng khác nỗ lực kiểm soát chi phí nhưng cũng còn duy trì CIR từ 45 – 55%.

Ở nhóm các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao, lợi nhuận của Vietcombank đang đứng đầu hệ thống khi 6 tháng đã đạt trên 7.700 tỷ đồng. Tất cả các ngân hàng, bao gồm từ ACB, HDBank, LienVietPost Bank, MB, Sacombank, TPBank, Vietcombank, VIB, VPBank thì chỉ duy nhất LienVietPost Bank có lợi nhuận sụt giảm, còn các ngân hàng còn lại lợi nhuận đồng loạt tăng từ 34% đến 200% so với cùng kỳ 2017.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ