Tiền tiết kiệm được rút ra do lãi suất thấp... |
Không loại trừ một tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới: giá vàng trong nước giảm thêm khoảng 15% so với mức hiện nay, đồng thời giá chứng khoán giảm đến 25% so với đỉnh (tương đương chỉ số HNX giảm về mốc 60 điểm). Khi đó, khả năng lớn hơn hẳn là dòng tiền tiết kiệm sẽ chọn lựa vàng là kênh để mua vào.
Sắp ngang bằng giá vàng thế giới
Hai tuần sau khi lãi suất huy động được tái lập đúng mức trần 14%, một hiện tượng khá rõ là một phần dòng tiền tiết kiệm đã chuyển qua kênh vàng. Từ đỉnh cao nhất 49 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước chỉ giảm khoảng 4% và gần như thiết lập một đường đi ngang trong cả tuần qua. Trong khi đó, vàng thế giới mất giá mạnh hơn - gần 6%.
Vào cuối tháng 8/2011, thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định nếu giá vàng trong nước chênh với giá vàng thế giới từ 400.000 đồng/lượng trở lên thì có thể xem là có hiện tượng làm giá vàng. Tuy nhiên trong những ngày qua, sự chênh lệch này lên đến từ 1,6-2 triệu đồng/lượng. Có những dấu hiệu cho thấy giá vàng trong nước được kiềm giữ ở vùng giá cao, cùng lúc một số đơn vị kinh doanh vàng bán ròng (như PNJ bán ròng 3.000 lượng trong ngày 16/9).
Tuy vậy, giá vàng trong nước không thể giữ được sự xa cách quá lớn với giá vàng thế giới, nhất là khi vàng thế giới vẫn tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm. Liên tục trong 10 phiên gần đây (tính từ đỉnh gần nhất 1.812 USD/oz), giá vàng thế giới luôn thể hiện xu hướng "một bước tiến, hai bước lùi".
Câu hỏi cần đặt ra là nếu có những cơ sở rõ rệt cho việc vàng thế giới có thể vọt lên 2.000-2.200 USD/oz như lời đồn đoán trong thời gian gần đây và đã làm cho người dân Hà Nội và TP.HCM đổ xô mua vàng. Tại sao giá vàng thế giới lại giảm răng cưa, song trùng với giai đoạn mà thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đi lên răng cưa?
Hiển nhiên đã xuất hiện một làn sóng nhà đầu tư bán vàng để mua cổ phiếu tại nhiều thị trường chứng khoán quốc tế. Từ thời điểm giá vàng thế giới tạo đỉnh 1.917 USD/oz đến nay, kế hoạch về gói kích thích việc làm 477 tỷ USD của Chính phủ Mỹ vẫn đang dần phát huy tác dụng, ít ra về mặt tâm lý. Thêm vào đó, FED đang làm động tác trung hòa việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ khi có khả năng tung ra gói Chương trình nới lỏng định lượng 2,5, trước khi có thể đưa ra gói QE3 vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Trong bối cảnh không xuất hiện thêm thông tin tiêu cực về nền kinh tế vĩ mô ở Mỹ, những động tác hỗ trợ của FED, tuy vẫn giữ sự thận trọng và dường như đang dự liệu cho kế hoạch dài hơi, đã làm lui bớt lo âu về các khó khăn, ổn định hơn tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng. Cũng bởi thế, ngược chiều với đà tăng nhẹ của chứng khoán Mỹ, giá vàng thế giới lại đang có khuynh hướng lùi về mốc 1.750 USD/oz. Người ta đã nhìn thấy khá rõ dấu hiệu này trong những phiên giao dịch mà giá vàng thế giới vẫn suy giảm cho dù chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc.
Nhưng mốc 1.750 USD/oz cũng không hẳn là ngưỡng hỗ trợ quan trọng về phân tích kỹ thuật đối với giá vàng thế giới. Nếu ngưỡng này bị phá vỡ, giá vàng thế giới hoàn toàn có thể giảm về mức 1.600 USD/oz, tức sẽ tạo ra biên độ giảm mạnh. Tương ứng với mốc này, giá vàng trong nước sẽ vào khoảng 40-41 triệu đồng/lượng, tức giảm 6-7 triệu đồng/lượng so với mức hiện thời.
Một động thái quen thuộc của doanh nghiệp kinh doanh vàng lại được tái hiện: đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng để kéo giá vàng trong nước về ngang bằng với giá vàng thế giới. Sau đề nghị này, "quota" 4 tấn vàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp. Có thể thấy trước là không bao lâu nữa, sự ngang bằng đó sẽ xảy ra.
Tiết kiệm có tiếp tục chảy vào kênh vàng?
Một câu hỏi khác cần được nêu ra là nếu giá vàng trong nước nằm trong xu hướng giảm cùng với giá vàng thế giới, liệu có xuất hiện dòng tiền chảy từ ngân hàng vào vàng, và dòng tiền rút ra từ ngân hàng có đổ vào "bắt đáy" hoặc mua tích trữ?
Hiện tượng tiền được rút khỏi hệ thống ngân hàng đã được xác nhận từ hai tuần qua. Khối lượng rút không nhiều, nhưng cũng khiến một số ngân hàng nhỏ lo lắng. Trong tâm tưởng những ngân hàng này, vẫn còn nhen nhúm hy vọng về những ngày "huy hoàng" sẽ trở lại khi họ được mặc sức tung hoàng với cơ chế lãi suất thỏa thuận với khách hàng.
Sẽ đổ vào vàng đang xuống giá? (ảnh Lao động)
|
Nhưng khác hẳn với quá trình thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, được ban hành vào đầu tháng 3/2011, Chỉ thị 02 vào đầu tháng 9/2011 cũng của cơ quan này đã được thực hiện nghiêm khắc đến khó ngờ. Chính vì thế, rất có thể quy định về trần lãi suất huy động 14% sẽ không bị suy xuyển.
Sự cố định của cái này lại tạo ra sự biến đổi của cái khác. Với mức lãi suất huy động chỉ 14%, dòng tiền đầu cơ lâu nay vẫn tìm chỗ trú ngụ trong ngân hàng sẽ khá dứt khoát rút ra. Tâm lý gửi tiền ngắn hạn của một số người dân trong những này qua đã phần nào phản ánh xu hướng này.
Trong bối cảnh chưa có một kênh đầu tư nào phát ra tín hiệu khả quan, xác suất dòng tiền tiết kiệm tập trung vào vàng là khá cao. Thậm chí, vàng vẫn là kênh tiếp nhận nhiều nhất dòng tiền mua để tích trữ, đầu tư và đầu cơ. Xu hướng này chỉ có thể thay đổi dần nếu thị trường chứng khoán - hiện vẫn đang được xem là kênh dễ sinh lời - tiếp nối đà đi lên từ con sóng tăng ngắn hạn từ giữa tháng 8/2011.
Nhưng với những gì đã biểu hiện từ khi lập đỉnh ngắn hạn vào ngày 13/9/2011, thị trường chứng khoán vẫn quá đậm màu sắc bị thao túng, chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ đại gia chứ không mang tính quyền lợi đại chúng, cho dù mặt bằng giá cổ phiếu đã rất thấp, kể cả so với giai đoạn cuối năm 2008. Nếu so với giá vàng trong nước, chỉ số chứng khoán luôn mất mát nhiều hơn và nhanh hơn, khi chỉ với 3 phiên lao dốc sàn Hà Nội đã bị thiệt hại đến 6%. Tính rủi ro quá đáng của thị trường chứng khoán đang và sẽ khiến cho một phần lớn dòng tiền tiết kiệm rút khỏi ngân hàng trở nên lưỡng lự.
Cũng không loại trừ một tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới: giá vàng trong nước giảm thêm khoảng 15% so với mức hiện nay, đồng thời giá chứng khoán giảm đến 25% so với đỉnh (tương đương chỉ số HNX giảm về mốc 60 điểm). Khi đó, khả năng lớn hơn hẳn là dòng tiền tiết kiệm sẽ chọn lựa vàng là kênh để mua vào, nhường chứng khoán cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp và chấp nhận mất mát lớn.
Khả năng về sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng nên được quan tâm với mức độ cao hơn. Vào trung tuần tháng 9/2011, một tín hiệu đáng tham khảo đã xuất hiện trong nhận định của Vinaland: lần đầu tiên sau nhiều tháng suy giảm, thị trường bất động sản TP.HCM, đặc biệt là giao dịch đất nền, đã có khởi sắc. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc hơn nữa trong những tháng cuối năm 2011.
Tất nhiên, nhận định trên có thể không đại diện cho toàn cục thị trường nhà đất và phần nào mang hơi hướng cảm tính. Tuy vậy nếu xét về lợi thế so sánh, từ đầu tháng 8/2011 đến nay thị trường bất động sản đã nhận được khung chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ và rõ ràng hơn hẳn so với các thị trường vàng và chứng khoán. Vì thế, cho dù sắp tới có tiếp tục "ngủ đông", hệ số an toàn của địa ốc vẫn đáng được lưu tâm trong bối cảnh nhà đầu tư chưa biết bỏ tiền vào đâu.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: