Top

Tiền nhàn rỗi bỏ vào đâu?

Cập nhật 15/04/2011 16:15

Người có tiền nhàn rỗi đang đau đầu với hàng loạt câu hỏi nên đầu tư vào đâu khi lãi suất (LS) USD đã giảm một nửa so với mức trước đây, còn LS tiết kiệm vàng về gần 0%. Liệu có nên gửi tiết kiệm VND khi LS đang cao ngất ngưởng, hay đổ vốn vào bất động sản, chứng khoán?

Bất động sản có thể sẽ là điểm đến của một số người có tiền nhàn rỗi khi các kênh khác không còn hấp dẫn - Ảnh: T.T.D.

Dưới đây là phân tích của các chuyên gia kinh tế.

Ngoại tệ “hết thời”


Trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, chứng khoán đều trầm lắng, gửi tiết kiệm đang được xem là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt với người có tiền nhàn rỗi khoảng vài trăm triệu đồng trở lại. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng trong thời điểm này gửi tiết kiệm tiền đồng có lợi hơn do LS cao và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt điều chỉnh nhằm tăng sức hấp dẫn của tiết kiệm VND như giảm LS USD, tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Kỳ vọng tỉ giá USD sẽ phải giảm thêm, chênh lệch LS giữa VND và USD hiện nay lại quá lớn là hai yếu tố mà người muốn cất giữ tài sản bằng ngoại tệ nên cân nhắc vì khả năng tỉ giá tăng 11% trong năm nay để bù đắp chênh lệch LS là rất khó.

TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng LS VND hiện nay được xem là khá hấp dẫn và khả năng sinh lời có thể thấy trước mắt. Cũng theo các chuyên gia, trong trường hợp lạm phát cả năm có lên đến 13,5%/năm như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán thì người gửi tiền vẫn có lời do LS hiện nay lên đến 14%/năm, chưa kể các khoản khuyến mãi.

Mức LS huy động VND cao như hiện nay sẽ khó duy trì lâu vì tới đây khi nguồn vốn VND dồi dào, các ngân hàng sẽ phải tính toán giảm LS do Ngân hàng Nhà nước đã khống chế tăng trưởng tín dụng năm 2011 ở mức 20%. Do vậy, theo TS Dương, nên tính toán sớm chuyển vốn USD sang VND, đồng thời chọn gửi kỳ hạn dài để hưởng LS cao.

Vàng: nhiều rủi ro

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), cho rằng qua những động thái gần đây của cơ quan quản lý dẫn đến tâm lý của giới đầu tư vàng không ổn định. Dễ thấy nhất là mấy tuần nay giá vàng trong nước đi ngược chiều giá thế giới, trong khi trước đây chỉ cần giá vàng thế giới nhích lên là giá vàng trong nước có thể làm mưa làm gió.

Hiện nay dù thấy trước xu hướng giá vàng thế giới tăng nhưng gần như không ai dám bỏ vốn vào vàng vì lo ngại giá vàng trong nước sẽ tiếp tục diễn biến ngược chiều giá thế giới. Đây cũng là tâm lý chung của các tiệm vàng nhỏ lẻ, họ chỉ giữ một lượng vàng nhỏ lẻ chứ không đầu cơ mặc dù ai cũng dự đoán giá vàng khó xuống.

Biểu đồ so sánh lãi suất huy động VND và USD trong thời gian qua

Đồ họa: Như Khanh

Bất động sản: “kênh trú ẩn” an toàn

Dù thừa nhận chứng khoán vẫn khó phục hồi trong ngắn hạn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây vẫn là kênh đầu tư đầy tiềm năng đối với những người có tiền nhàn rỗi. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng chứng khoán thường có xu hướng đi trước các biến động của kinh tế vĩ mô. Do đó, những tác động của các chính sách kiềm chế lạm phát, nhất là chính sách tiền tệ được ban hành từ đầu năm, đến nay đã cơ bản phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường.

Hàng loạt cổ phiếu đã rơi về mức giá khá thấp, thậm chí thấp hơn cả thời điểm VN-Index về mức “đáy” vào cuối tháng 2-2009. “Nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác, chứng khoán không những có nhiều cơ hội sinh lợi sớm hơn khi thị trường phục hồi mà còn đem lại nhiều sự chọn lựa hơn cho những người có tiền nhàn rỗi...” - ông Lê Đạt Chí (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói.

Theo chuyên gia này, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết, kể cả lĩnh vực bất động sản (BĐS) hay ngân hàng, hiện có mức cổ tức khá hấp dẫn, với tỉ suất cổ tức/giá cổ phiếu xấp xỉ LS tiết kiệm. Do đó, thay vì gửi tiết kệm để hưởng LS cố định, nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu ngân hàng vừa hưởng cổ tức vừa có cơ hội hưởng chênh lệch giá khi thị trường phục hồi.

Tương tự, thay vì bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào BĐS, nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu của những công ty BĐS có tiềm lực tài chính tốt. Một khi thị trường BĐS phục hồi, cổ phiếu BĐS cũng tăng giá, thậm chí tăng giá trước khi giá BĐS tăng trở lại. Hơn nữa, đầu tư vào cổ phiếu BĐS không đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn như đối với việc đầu tư trực tiếp vào sản phẩm BĐS, chưa kể tiền đầu tư vào chứng khoán có thể thu hồi ngay nếu nhà đầu tư có nhu cầu.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng BĐS đang là “kênh trú ẩn” an toàn đối với dòng tiền nhàn rỗi, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay. Theo ông Hoàng Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng, trong khi hầu hết các chi phí đầu vào, từ giá vốn (lãi vay) đến nguyên vật liệu đều tăng mạnh, giá BĐS thời gian qua không những không tăng thậm chí còn giảm. Điều này giúp BĐS trở nên hấp dẫn hơn không chỉ đối với những người có nhu cầu an cư mà cả những nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi.

Coi chừng “kẹt sóng”

Các chuyên gia cũng thừa nhận việc bỏ vốn vào kênh chứng khoán hay BĐS cũng đều chịu những rủi ro nhất định. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, các yếu tố như tính pháp lý của dự án hay phân khúc thị trường sẽ là những rủi ro đối với những nhà đầu tư thiếu thông tin về thị trường BĐS. Ngoài ra, theo ông Hưng, thanh khoản của thị trường BĐS cũng là một rủi ro. Những nhà đầu tư bỏ vốn vào BĐS với kỳ vọng “lướt sóng” ngắn hạn chắc chắn sẽ bị “kẹt sóng”, chưa kể những người có nhu cầu vốn đột xuất cũng gặp khó khăn khi bán sản phẩm để thu hồi vốn nhanh.

Trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán cho rằng nguồn cung cổ phiếu trên thị trường dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi hàng loạt doanh nghiệp tìm cách phát hành thêm để huy động vốn, sẽ là một trong những rủi ro lớn đối với nhà đầu tư khi quyết định bỏ vốn vào chứng khoán trong thời điểm này.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ