Top

Tỉ đô đắp chiếu

Cập nhật 28/06/2019 11:00

Tổng vốn đã ký kết cho các dự án đường sắt đô thị gần 4,5 tỉ USD, nhưng 4/7 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, việc bố trí vốn và giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đình trệ.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn qua quận 9 - TP.HCM chậm tiến độ vì phải chờ vốn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Tiền - ở đây là tiền vay ưu đãi đang đắp chiếu ở kho bạc, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lo làm sao tiêu được gần 223.000 tỉ đồng của vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong khi hàng triệu người dân đang mòn mỏi những công trình xây từ nguồn vốn ưu đãi này sớm đi vào hoạt động để nâng cao chất lượng cuộc sống. Dân cứ chờ, tiền vẫn đắp chiếu.

Đó là thực trạng giải ngân vốn vay ODA, từng là mối quan tâm của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính trong 3-4 năm qua nay vẫn "vấn đề nóng".

Trong tuần qua, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với 6 nhà tài trợ và hôm qua Bộ Tài chính lại họp với các địa phương và bộ ngành, nhà tài trợ để tìm giải pháp tiêu tiền vốn ODA và vay ưu đãi.

Bức tranh xài tiền từ vay ưu đãi thật buồn. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ năm 2016 đến nay, giải ngân vốn vay ODA và vốn ưu đãi luôn... không đạt kế hoạch.

Mới nhất, 5 tháng đầu năm chỉ giải ngân được 1.605 tỉ đồng, bằng 2,7% dự toán Quốc hội giao. Tỉ đô đắp chiếu là thực trạng vẫn chưa tìm được lối ra.

Ai cũng sốt ruột, kể cả bên cho vay. Ông Eric Sidgwick - giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - đánh giá tiến độ giải ngân ODA trong gần 4 năm qua rất chậm.

Người dân chẳng thể quên được tiếng kêu đói vốn từ các dự án metro tại TP.HCM - công trình mà mọi người dân mong sớm hoạt động, nhưng nhiều tháng qua vẫn hoạt động bằng vốn... tạm ứng.

Tổng vốn đã ký kết cho các dự án đường sắt đô thị gần 4,5 tỉ USD, nhưng 4/7 dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, việc bố trí vốn và giải ngân cho các dự án này đến nay vẫn đình trệ.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi có điều kiện để giải ngân nhưng không có kế hoạch giao vốn mà lại không thể điều chuyển vốn từ các dự án khác...

Chậm tiêu tiền, lý do rất cũ: chậm giải phóng mặt bằng, quy trình, thủ tục liên quan đến giải ngân...

Hậu quả của việc tiền vay đắp chiếu không thể đong đếm hết. Trước mắt người dân chịu thiệt vì công trình xây mãi không xong, làm giảm hiệu quả của dự án, làm tăng chi phí (như phí cam kết, phí quản lý dự án...) gọi đúng tên là tăng nợ.

Chưa hết, tranh chấp hợp đồng với nhà thầu cũng có nguy cơ xảy ra và đặc biệt uy tín của Việt Nam bị ảnh hưởng khi giải ngân vốn vay chậm và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ai cũng sốt ruột khi tiền vay đắp chiếu. Ai cũng hiểu đưa tiền vay vào các dự án là thước đo hiệu quả quản lý của các bộ ngành, địa phương nơi có dự án.

Nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm khi tiền chưa được rót vào dự án và vẫn chưa có giải pháp để xóa tận gốc căn bệnh này. Vì thế tiền vay chưa thể thoát cảnh đắp chiếu.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ