Ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn đi kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc giải ngân.
Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước lập đoàn kiểm tra gói 30.000 tỷ đồng
|
Theo Bộ Xây dựng, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã tăng tốc trong 5 tháng đầu năm nay. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2013 tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.
Trong số gần 4.000 tỷ đồng cam kết đến ngày 31/5 thì ngân hàng đã giải ngân được cho 5.368 hộ gia đình với số tiền là 1.343 tỷ đồng, giải ngân cho 19 dự án của các tổ chức với dư nợ 812 tỷ đồng.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở được tung ra từ 1/6/2013 hướng đến đối tượng là người mua nhà có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Trước đó, gói tín dụng này được đánh giá là có tiến độ giải ngân chậm, người thu nhập thấp khó tiếp cận nguồn vốn... Thời điểm tháng 11/2013, tức 6 tháng sau khi đưa ra gói hỗ trợ này, mới có 619 khách hàng cá nhân được cam kết cho vay và 590 khách hàng được giải ngân với số tiền hơn 142 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá đây là con số quá "khiêm tốn". Thời điểm này Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải yêu cầu sớm giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nói trên.
Trong nhận định mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng "sức ỳ" trong việc giải ngân gói tín dụng này có những nguyên nhân:
Thứ nhất đây là chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu.
Thứ hai, nguồn cung nhà ở dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn ít nên chưa giải ngân nhanh được.
Thứ 3, đây là nguồn vốn ưu đãi nên việc giải ngân phải đúng đối tượng, đúng mục đích nên không thể nóng vội.
Thứ 4, một số địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư dự án nhà ở xã hội, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay theo quy định. Từ đó các dự án chậm được triển khai dẫn đến nguồn cung thấp.
Thứ 5, các ngân hàng cho vay phải chịu trách nhiệm thu hồi vốn nên các ngân hàng còn quy định quá thận trọng và chặt chẽ khiến nhiều khách hàng khó đáp ứng được, hoặc chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định khiến khách hàng "nản".
Do đó, các giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra:
Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và cho phép một số ngân hàng thương mại tham gia.
Mở rộng đối tượng được vay vốn.
Các địa phương quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ các thủ tục, vướng mắc...
Ngay trong tháng 6, Bộ Xây dựng sẽ kết hợp với Ngân hàng Nhà nước thành lập đoàn đi kiểm tra việc giải ngân gói tín dụng này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh quá trình giải ngân.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Nhà ở xã hội chiếm một phân khúc quan trọng trong thị trường BĐS và đây mới chính là sản phẩm hướng đến nhu cầu thực của người dân. Bởi vậy, khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng được triển khai và tập trung hướng vào phân khúc nhà ở xã hội thì cũng đem lại những tác động tốt đến thị trường BĐS nói chung". Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh: "Gói tín dụng này không phải nhằm giải cứu thị trưởng BĐS mà mục tiêu chính là đảm bảo an sinh xã hội".
DiaOcOnline.vn - Theo Seatimes
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: