"Việt Nam nếu gặp rủi ro sẽ hấp thụ rất nhanh nhưng chậm trong việc tận dụng cơ hội từ những rủi ro này. Đấy là đặc điểm cơ cấu kinh tế", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội quốc gia dẫn lại nhận định của IMF.
Tiềm ẩn rủi ro kinh tế tích tụ khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm dần đến năm 2020 là cảnh báo được World Bank vừa phát đi. Tổ chức quốc tế này chỉ ra thương mại Việt Nam đang có độ mở cao, dư địa chính sách tài khoá còn hạn chế, khiến nền kinh tế dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.
Theo đó, dự báo của World Bank cho rằng GDP Việt Nam sẽ đạt 6,8% trong năm 2018 và giảm dần còn 6,6% và 6,5% trong 2 năm 2019 và 2020.
Phía Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - Xã hội (NCIF) lại đưa ra một kịch bản khác. Tăng trưởng trong năm 2018 theo NCIF đưa ra trong sáng 12/12 có thể đạt khoảng 7%. Tốc độ GDP trong năm 2019 – 2020 cũng không bị chậm lại, thay vào đó, có thể đạt khoảng 6,9 – 7,1%.
Dù vậy, phía NCIF tán đồng quan điểm nền kinh tế trong nước tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trả lời Trí Thức Trẻ, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế thế giới của NCIF, cho biết nhìn chung thương mại, đầu tư toàn cầu đang đi xuống cùng với sự gia tăng bất ổn từ các thị trường, đại diện là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
"IMF từng phân tích rằng Việt Nam nếu gặp rủi ro sẽ hấp thụ rất nhanh, nhưng tận dụng cơ hội trong đó lại chậm, đấy là đặc điểm cơ cấu kinh tế Việt Nam", ông Thắng nhắc lại.
Vấn đề chủ yếu nằm nhiều ở cuộc xung đột Mỹ - Trung, theo ông Thắng. Nếu nhìn vào tăng trưởng, thu hút đầu tư thì trong năm 2018 nền kinh tế có nhiều kết quả tương đối tích cực. Nguyên nhân ở giai đoạn đầu, các luồng thương mại đang chuyển hướng, đổ sang Việt Nam khiến bình diện chung là có lợi chứ không phải thiệt hại.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi chiến tranh thương mại thực sự "ngấm", lan rộng ra khu vực sản xuất của nền kinh tế 90 triệu dân, đòi hỏi đầu mối về chuỗi cung ứng thay đổi, Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn, ông Thắng cho biết.
Đơn cử như phần nguyên liệu đầu vào, nếu như trước đây Việt Nam có thể nhập rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ, nhưng điều này có thể chấm dứt trong tương lai, kéo theo chi phí sản xuất tăng lên do thay đổi nước nhập khẩu.
"Rủi ro có tính dài hạn hơn ngắn hạn", TS. Thắng cho biết.
Một vấn đề khác được đặt ra là tính hấp thụ của nền kinh tế trong nước khi dòng vốn FDI được dịch chuyển sang. Nhiều doanh nghiệp FDI đã đặt câu hỏi: Giả sử, các dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam thật, nền kinh tế có thực tiếp nhận được?
Nói về câu chuyện này, ông Thắng cho biết hấp thụ ở đây liên quan nhiều hơn đến vấn đề lao động. Khi một số lượng lớn doanh nghiệp FDI quy mô vào Việt Nam sẽ dẫn đến sự thiếu hụt cung lao động cục bộ giữa một số vùng.
"Điều này có thể coi là một rủi ro của Việt Nam trong thời gian tới nếu không giải quyết được cung lao động. Đặc biệt là việc di chuyển lao động giữa các vùng, hiện nay vẫn còn tương đối nhiều rào cản. Đây là điểm phải khắc phục trong thời gian tới, ví dụ cơ chế hộ khẩu cần phải tính toán lại", ông Thắng phân tích.
Ngoài ra còn bài toán liên quan đến thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, vốn bị xem là dậm chân tại chỗ của Việt Nam trong thời gian dài.
"Nếu như thời gian tới chúng ta tăng được nhà cung cấp ở Việt Nam thì đấy là yếu tố rất thuận lợi", ông nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: