Chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2018. Vì vậy nhiều ngân hàng chưa thực hiện chia cổ tức năm 2017 đang ráo riết lên kế hoạch.
Hoạt động ngân hàng dần tốt hơn khi nợ xấu có đầu ra, tín dụng tăng, nhờ đó kết quả kinh doanh cải thiện sẽ tác động lên giá cổ phiếu, nên việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng được nhiều nhà đầu tư đón nhận hơn so với những năm trước.
Cổ đông thích nhận cổ phiếu
Trong quý IV/2018, giai đoạn kết thúc năm, nhiều ngân hàng đã gấp rút thực hiện công bố phương án chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố thông tin liên quan đến việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7,4%, tương ứng với phát hành hơn 39,3 triệu cổ phiếu.
Tương tự, HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2017 và phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Theo thông báo của nhà băng này, 28/12 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu. Đồng thời, đây cũng là ngày ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 26,66%. Giá bán ra công chúng là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng cộng, LienVietPostBank sẽ phát hành và chào bán gần 237,5 triệu cổ phiếu. Trong đó, ngân hàng phát hành gần 37,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 và chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng vừa có thông báo thay đổi thời gian chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và chia thưởng cổ phiếu năm 2017. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/12 và ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/12. Cổ đông của ngân hàng sẽ được nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,38% và nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 19,735%.
Giới đầu tư đánh giá nếu như các năm trước, việc chia cổ tức là câu chuyện "khó nói" của các ngân hàng, khiến không ít cổ đông ấm ức do giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thì hiện tại, tình hình đã đảo ngược.
Một năm trở lại đây, diễn biến giá cổ phiếu khởi sắc, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu lại được cổ đông đón nhận. Điều này cũng giúp cho nhiều ngân hàng mạnh dạn hơn trong việc đưa ra quyết định chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Luật sư Ts. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Tp.HCM, nhận định với kết quả kinh doanh cải thiện, nhiều nhà băng mạnh tay chia cổ tức, tạo tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, nhất là khi cổ phiếu "vua" đã tăng so với trước.
Nhìn một cách bao quát hơn, một số chuyên gia cho rằng thuận lợi trong kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng bắn "một mũi tên trúng hai đích", đó là vừa trả được cổ tức cho cổ đông, nhưng đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng theo Thông tư 36/2014/ của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: