Áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt cộng với cuộc đua lãi suất “ngầm” của các ngân hàng thương mại (NHTM) thời gian gần đây đã đẩy lãi suất cho vay lên tới 26–27%, khiến thị trường bất động sản (BĐS) một lần nữa đứng trước nguy cơ đóng băng vì cạn vốn. Kịch bản khủng hoảng của năm 2008 rất có thể lặp lại...
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
|
Trước những khó khăn, bế tắc đó, quỹ đầu tư nhà ở được Bộ Xây Dựng dự thảo đề xuất Chính phủ mới đây có thể mở ra một lối thoát cho thị trường BĐS trong việc tìm kiếm nguồn vốn dài hơi, bền vững.
Bài toán niềm tin
Theo quan điểm của các chuyên gia, vấn đề của thị trường BĐS Việt Nam lúc này không đơn thuần là khủng hoảng “thiếu vốn – thừa dự án”, mà nghiêm trọng hơn, đó chính là “khủng hoảng niềm tin”. Nguy cơ lặp lại kịch bản 2008 vẫn lơ lửng, dấu hiệu đóng băng đã rất rõ ràng, cộng với sự đe dọa “bong bóng vỡ”... đã khiến niềm tin đầu tư trên thị trường bị tổn thương nghiêm trọng. Chính vì vậy, vấn đề lúc này không chỉ là tập trung tìm kiếm nguồn vốn ngắn hạn để giải quyết khó khăn trước mắt, mà quan trọng hơn, chính là củng cố niềm tin dài hơi cho thị trường.
Tuy nhiên, để giải bài toán niềm tin không đơn giản là tìm kiếm dòng tiền tức thời. “Thậm chí nếu bơm ngay tiền vào thị trường BĐS lúc này bằng mọi giá, chúng ta sẽ lãnh đủ hậu quả trong tương lai gần, mà khả năng bong bóng vỡ là điều rất khó tránh...” – Một chuyên gia BĐS khẳng định. Trong nhiều cuộc họp nhằm tìm kiếm giải pháp khai thông thế bế tắc cho thị trường, lãnh đạo Bộ Xây Dựng cũng đã thể hiện quan điểm hướng tới một nhóm giải pháp tổng thể, dài hạn.
“Lấy lại niềm tin cho thị trường cũng chính là giải tận gốc bài toán bế tắc!” – đó là khẳng định của rất nhiều chuyên gia kinh tế.
Mở lối đi bền vững
Quan tâm tới vấn đề giải bài toán niềm tin, không chỉ riêng những ai đang tham gia thị trường BĐS mà còn có rất nhiều cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng cũng như các nhà đầu tư tài chính... Bởi nếu thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng – nhất là “bong bóng vỡ” thì hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ nền kinh tế!
Trong nỗ lực tìm kiếm hướng đi bền vững cho thị trường, Bộ Xây Dựng đã đề xuất hệ thống tiêu chí cho vay bất động sản đối với các tổ chức tín dụng. Động thái này được các chuyên gia kinh tế, NHTM cũng như các nhà đầu tư trên thị trường đánh giá rất cao. Một mặt nó sẽ tạo cơ sở cho các tổ chức tín dụng trong việc giải ngân nguồn vốn cho BĐS, mặt khác nó giúp chủ đầu tư có niềm tin cho các kế hoạch đầu tư dài hơi của mình. Về phía nhà quản lý, hệ thống tiêu chí này cũng có tác dụng như một thứ công cụ kiểm tra tính minh bạch của dòng tiền vào thị trường...
Mới đây nhất, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo TW về chính sách nhà ở và thị trường BĐS ngày 20/5/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện nội dung dự thảo chiến lược phát triển nhà ở, trong đó chú trọng vấn đề phát triển bền vững.
Đại diện Bộ Xây Dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 – tầm nhìn 2030, Bộ cũng rất chú trọng nhóm giải pháp về vốn. Bộ Xây Dựng đề xuất thành lập quỹ đầu tư nhà ở gồm 3 nhóm: Quỹ phát triển nhà, Quỹ tiết kiệm nhà ở và Quỹ đầu tư BĐS.
Trong đó, Quỹ phát triển nhà ở do UBND các tỉnh, thành phố quyết định thành lập, chủ động xây dựng nguồn vốn từ nhiều nguồn như: tiền thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, tiền dự án phát triển nhà ở thương mại, các khu đô thị mới, hoặc từ ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm...
Quỹ tiết kiệm nhà ở được dự kiến triển khai theo mô hình tổ chức tài chính - tín dụng phi lợi nhuận chuyên phục vụ cho các doanh nghiệp được vay vốn mua nhà ở hoặc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn xây dựng nhà xã hội. Quỹ đầu tư BĐS hoạt động theo Luật Chứng khoán, cho phép nhà đầu tư thay vì trực tiếp mua nhà đất như hiện nay có thể mua chứng chỉ quỹ. Công ty quản lý quỹ sẽ thay mặt nhà đầu tư mua bán, quản lý BĐS.
Đây sẽ là kênh huy động vốn đầu tư BĐS chính thống thông qua thị trường chứng khoán, có thể thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia do tính an toàn cao.
Hệ thống các quỹ này nhằm tạo cơ sở huy động vốn cho thị trường BĐS, thông qua nhiều nguồn, nhiều kênh, có tính lâu dài, bền vững.
Nếu việc đề xuất các quỹ này được Chính phủ thông qua, “lối thoát hiểm” của thị trường BĐS sẽ được mở. Nhiều chuyên gia BĐS và nhà đầu tư cũng kỳ vọng các quỹ này sẽ tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường, tránh nguy cơ lây lan các cuộc khủng hoảng dây chuyền...
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: