Trong quí 1 năm nay kiều hối về TPHCM ước đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM.
Kiều hối về TPHCM tiếp tục tăng. Ảnh: TL.
|
Theo ông Minh, đây là số ước đạt, còn thực tế có thể cao hơn. Ông Minh cho rằng kiều hối tăng một phần do kinh tế trong nước chuyển biến tốt nên một số kiều bào gửi tiền về đầu tư, một phần là do lực lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài có tăng lên. Kiều hối được chuyển về chủ yếu là từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Úc và các nước khu vực Đông Nam Á. Kiều hối tiếp tục đổ mạnh vào các ngành sản xuất và bất động sản.
Lượng kiều hối của TPHCM thường chiếm 40-50% so với cả nước. Kiều hối từ lao động nước ngoài thường chiếm khoảng 20-25%, còn lại là của kiều bào sống ở nước ngoài.
Cả năm 2014, lượng kiều hối về TPHCM khoảng trên 5 tỉ đô la Mỹ.
Một nguồn tin tại Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, lực lượng lao động đi làm việc tại nước ngoài trong 3 tháng đầu năm là khoảng 25.700 người, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong 2014 đã có hơn 100.000 lao động làm việc tại nước ngoài. Trong các năm gần đây, do số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài năm sau cao hơn năm trước nên lượng kiều hối cũng tăng theo. Nếu như 2013 có khoảng 2,2 tỉ đô la Mỹ kiều hối của những người đi xuất khẩu lao động gửi về Việt Nam thì năm 2014 con số này vào khoảng 2,5 tỉ đô la Mỹ.
Tại một hội thảo vào đầu năm nay ở TPHCM, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết năm 2014 kiều hối gởi về Việt Nam khoảng 12 tỉ đô la Mỹ (khoảng 8% so với GDP), trong đó 46% chuyển thành vốn cho sản xuất kinh doanh, gần 36% cho tiêu dùng, còn lại gởi về để tiết kiệm, chữa bệnh cho người thân.
Theo ông Nam, kiều hồi gởi về nước tăng khoảng 10% mỗi năm và TPHCM là địa phương chiếm lượng kiều hối lớn nhất cả nước.
Trong khi đó, một lãnh đạo NHNN dự báo khoản kiều hối do Việt kiều gửi về ước tính đạt 13-14 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.
Vị này cũng cho rằng con số kiều hối thống kê được chủ yếu là dòng tiền giao dịch qua hệ thống ngân hàng, còn nguồn tiền được đưa về nước bằng một số dạng thức khác thì rất khó để biết, như gửi tiền cho người khác mang về nước, hay kiều bào trực tiếp về nước cho, tặng thân nhân, và có thể là chuyển "lậu", tức không qua hệ thống ngân hàng. Vì vậy, con số kiều hối thực tế có thể lớn hơn. Theo vị này, tỷ giá ổn định trong vài năm gần đây có một phần nhờ vào nguồn thu ngoại tệ ổn định hàng năm là kiều hối.
Theo số liệu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì từ năm 2007 đến năm 2013 kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 sau vốn FDI, cao hơn cả vốn ODA. Theo thống kê của viện này, từ năm 1991 đến hết 2013, nguồn tiền kiếu hối gửi về Việt Nam đã vượt 90 tỉ đô-la Mỹ.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: