Top

Những doanh nghiệp "vua tiền mặt": Đem cả “núi” tiền gửi ngân hàng, nhận lãi khủng

Cập nhật 05/11/2019 14:00

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 đã chính thức bắt đầu. Bên cạnh những thông tin về lợi nhuận, báo cáo cũng cho thấy con số khá thú vị về khối lượng tiền được doanh nghiệp gửi vào ngân hàng kiếm lời…

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt nắm giữ một khối lượng tiền mặt rất lớn.

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt nắm giữ một khối lượng tiền mặt rất lớn. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã công bố thông tin tài chính với lượng tiền gửi vượt con số chục nghìn tỷ đồng, thậm chí có doanh nghiệp tới hơn trăm nghìn tỷ đồng.

Nhờ sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi khủng, những “đại gia” này thu về cả trăm tỷ đồng hoặc cả nghìn tỷ đồng lãi tiền gửi mỗi năm.

Như trường hợp của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco, lượng tiền mặt gửi ngân hàng của doanh nghiệp này tăng mạnh sau khi về tay ông chủ người Thái.

Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 9/2019, Sabeco có tới hơn 14.700 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi, tăng mạnh so với con số đầu năm và chiếm tới 60% tổng tài sản, một con số rất đáng nể.

Trong số này, tiền gửi ngân hàng và các khoản tiền gửi ngân hàng không quá 3 tháng của Sabeco là hơn 3.500 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm là 11.173 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với con số đầu năm.

Với số tiền rất lớn đem gửi ngân hàng, 9 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu tài chính ở mức 622 tỷ đồng, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, ở thời điểm cuối năm 2017, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng. Cùng với số tiền mặt tăng đáng kể, lợi nhuận của Sabeco cũng đạt kỷ lục sau hơn một năm về tay người Thái.

Tiếp theo là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Tính đến 30/9/2019, ACV có tổng tài sản 59.702 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 671 tỷ đồng; còn lại khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 12 tháng) là 31.382 tỷ đồng, tăng tới 32% so với hồi đầu năm.

Như vậy, ACV mang hơn 32.000 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi. Tổng số tiền này chiếm tới 53% tổng tài sản hiện có của ACV.

Chỉ tính riêng doanh thu tài chính đến từ lãi vay trong 9 tháng đầu năm, ACV ẵm gần 1.400 tỷ đồng. Số lãi “khủng” từ tiền gửi đã đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh hàng năm của ACV.

Tiếp đến là một doanh nghiệp từng được mệnh danh là "vua tiền mặt" với khoản tiền và các khoản tương đương tiền rất lớn - Tổng công ty khí Việt Nam PV GAS.

Tại thời điểm ngày 30/9/2019, PV GAS có 28.511 tỷ đồng nằm trong ngân hàng để hưởng lãi suất.

Trong đó, có 2.040 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, 3.871 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn không quá 3 tháng; tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng là gần 22.600 tỷ đồng.

Cả hai khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn của PV GAS đều tăng so với con số đầu năm 2019. Tổng tài sản "ông lớn" tính đến cuối tháng 9/2019 là 62.577 tỷ đồng. Như vậy tổng số tiền gửi ngân hàng đang chiếm 36% tổng tài sản của PV Gas.

Một doanh nghiệp đứng đầu trong danh sách những “đại gia” tiền mặt đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Theo báo cáo tài chính năm 2018 được kiểm toán bởi Deloitte, PVN có khoản tiền và tương đương tiền khá lớn: 63.963 tỷ đồng cùng số tiền gửi đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn cả ngắn hạn và dài hạn (gửi ngân hàng) ở mức rất "khủng": hơn 145 nghìn tỷ đồng.

Tổng hai khoản tiền này lên tới gần 210.000 tỷ đồng. Với lãi suất ngân hàng dao động từ 5,5 -8,7%/năm, nếu PVN đem toàn bộ số tiền này đi gửi ngân hàng lấy lãi mỗi năm cũng thu về cả chục nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cũng phản ánh điều này, năm 2018, PVN ghi nhận doanh thu tài chính năm 2018 là 17.472 tỷ đồng, tăng tới hơn 18% với năm trước.

Đáng lưu ý, số tiền PVN đem gửi ngân hàng lớn hơn so với tổng tài sản của nhiều ngân hàng hiện nay. Chẳng hạn như TPbank, Kienlongbank, ABBank…

Thực tế, tiền mặt được coi là "vua". Không phải doanh nghiệp nào cũng có khoản tiền và tương đương tiền lớn như vậy. Việc một doanh nghiệp giữ một số tiền nhất định trong ngân hàng cũng là rất bình thường, thậm chí đáng mơ ước.

Việc giữ tiền mặt nhiều hay ít cũng phụ thuộc nhiều vào quyết định kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp hoặc chưa có phương án kinh doanh tối ưu, doanh nghiệp có thể chọn gửi ngân hàng, vừa an toàn mà vẫn sinh lời.

Tuy nhiên, nếu "găm" quá nhiều tiền mặt để gửi ngân hàng và duy trì trong một thời gian dài để lấy lãi cũng đặt ra bài toán về giá trị thặng dư của doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí