Top

MBS: Kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt trong các năm tới

Cập nhật 17/08/2018 14:17

Mới đây công ty chứng khoán ngân hàng quân đội (MBS) công bố báo cáo chuyên đề về chu kỳ kinh tế thế giới và Việt Nam. Theo MBS, chưa có căn cứ vững chắc nếu cho rằng kinh tế Việt Nam đã tạo đỉnh và sẽ đi xuống trong năm 2019.


Xem xét lại lịch sử từ 2012 đến 2018, Chính phủ và NHNN tập trung chủ yếu vào các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế và đã đạt được một số thành quả nhất định với ba mũi nhọn chính là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.

Các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế của Chính Phủ và NHNN trong giai đoạn 2012 – 2018 có thể tóm lược như sau:

Giai đoạn 2012- 2013: Kiên định chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế; Duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, hỗ trợ giảm lãi suất; Bắt đầu quá trình hỗ trợ và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Giai đoạn 2014 – 2016: Bắt đầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế vĩ mô (tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.); Thông qua Luật đầu tư công, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi; Giảm số lượng ngân hàng thương mại thông qua sáp nhập và mua lại bắt buộc; xử lý nợ xấu và sở hữu chéo.

Giai đoạn 2017- 2018: Tập trung cải thiện cơ cấu nền kinh tế thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh cổ phần hóa và thóai vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước; sử lý các dự án đầu tư yếu kém thua lỗ tại các tập đoàn nhà nước lớn; Cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh (dự kiến cắt giảm 50%); giảm biến chế nhà nước, kiện toàn bộ máy quản lý hành chính. Phấn đấu giảm 10% biến chế nhà nước đến 2021.

Các kết quả ban đầu của quá trình cải cách trên đã giúp chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế cải thiện rõ rệt.

Tăng trưởng GDP tương đối cao song dựa nhiều hơn vào sự cải thiện năng suất tổng hợp. Nhân tố năng suất tổng hợp đã đóng góp nhiều hơn hẳn vào tăng trưởng GDP (trung bình trên 40%, so với mức trên 19% của giai đoạn trước). Năng suất lao động tăng cao hơn đáng kể trong giai đoạn 2015 – 2017.

Yếu tố gia tăng vốn đầu tư giảm dần vai trò trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng (17- 18%) và cung tiền (16-17%) trong giai đoạn 2015 - 2017 mức khá hài hòa nên không gây ra áp lực lên các cân đối vĩ mô như lạm phát và tỷ giá.

Đầu tư khu từ khu vực tư nhân (khu vực năng động và hiệu quả) ngày càng được động viên khuyến khích và đầu tư từ khu vực nhà nước (khu vực kém hiệu quả) ngày càng giảm. Giai đoạn trước 2007, đầu tư từ khu vực nhà nước luôn chiếm trên 40% thì hiện tại đến hết quý 2/2018, đầu tư từ khu vực nhà nước chỉ còn 33.2%. Xu hướng này trong tương lai sẽ tiếp tục diễn ra và do đó nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện hiệu quả trong thời gian tới.

Nhờ các nỗ lực cải cách và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính Phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt nam đã có sự cải thiện rõ rệt. Môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đứng thứ 5 trong ASEAN. Việt Nam đã có các tiến bộ đáng kể trong các tiêu chí tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, và nộp thuế.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 Chính phủ thúc đẩy các bộ cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước ngày 15/8/2018. Tính đến hết quý II/2018, có 378 điều kiện kinh doanh trên hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa.

Như vậy có thể nhìn nhận với những cải cách tạo động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, mức tăng trưởng cũng không quá nóng và môi trường kinh tế thế giới tiếp tục thuận lợi. Việt Nam vẫn được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt trong các năm tới. Chưa có căn cứ vững chắc nếu cho rằng kinh tế Việt Nam đã tạo đỉnh và sẽ đi xuống trong năm 2019.

DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ