Hiện tại mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, trong khi hạn chót là năm 2020 chỉ còn vài ngày.
Năm 2019, có hàng chục ngân hàng đề ra mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán. Song đến thời điểm hiện tại (17/12), tức chỉ còn 2 tuần nữa là bước sang năm 2020 nhưng hàng loạt ngân hàng vẫn bặt tăm.
Tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Trước đó, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó có 10 ngân hàng giao dịch trên HOSE gồm VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB; 3 ngân hàng trên HNX là ACB, SHB, NVB và 5 ngân hàng giao dịch trên UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB.
Như vậy, còn khoảng hơn 10 ngân hàng nữa phải chạy nước rút để niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2020.
Năm 2019 cũng chỉ ghi nhận trường hợp lên sàn duy nhất là VietBank (VBB) thực hiện thành công. Cuối tháng 7/2019, cổ phiếu của VietBank đã được chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã VBB. Khối lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là hơn 419 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ 4.190 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá 6.285 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng MSB đã nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE, tuy nhiên đến nay chưa có động thái nào mới. Nhiều khả năng phải qua Tết 2020 nhà băng này mới có thể hoàn tất lên sàn. Theo đó, 1,175 tỷ cổ phiếu MSB sẽ được niêm yết, tương đương với vốn điều lên 11.750 tỷ đồng.
Trên thực tế, kế hoạch niêm yết của MSB đã kéo dài gần 4 năm, từ năm 2016 khi ngân hàng hoàn tất thương vụ sáp nhập với ngân hàng Mekong. ĐHĐCĐ thường niên 2017- 2019 của ngân hàng đều đã thông qua kế hoạch lên sàn nhưng đến nay mới chính thức thực hiện.
Trước đó, trong năm 2018, mặc dù có hàng chục ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nhưng cũng chỉ 3 ngân hàng thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.
Nhiều ngân hàng lỡ hẹn từ năm này qua năm khác
Còn hơn 10 ngân hàng còn lại, kế hoạch lên sàn đã được ĐHĐCĐ thông qua nhưng vẫn đang muốn đợi thời điểm thích hợp.
Kế hoạch lên sàn OCB từng gây sự chú ý lớn trong năm 2018 nhưng đến nay đã lỡ hẹn 2 năm. Năm 2018, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng còn trả lời trên Bloomberg về kỳ vọng vốn hóa ngân hàng sẽ đạt 1 tỷ USD sau khi niêm yết cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2018. Tuy nhiên, thị trường diễn biến không thuận lợi, kế hoạch này phải lùi lại.
Đến năm 2019, OCB tiếp tục nhắc lại kế hoạch ấy nhưng thực tế vẫn chưa thể tiến hành. Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo ngân hàng cho biết muốn niêm yết vào thời điểm sao cho tốt nhất cho ngân hàng cũng như cổ đông. Theo đó, OCB chủ trương tìm nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng rồi mới niêm yết.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng tầm trung như Nam A Bank, ABBank, SeABank đều đã có kế hoạch lên sàn HOSE. Hồi đầu năm, cổ đông Nam A Bank đã thông qua kế hoạch đưa toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành lên sàn HOSE và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này ngân hàng vẫn chưa có động thái nào cho thấy việc lên sàn đã sẵn sàng dù rằng kết quả kinh doanh các tháng của năm 2019 khá tích cực. Cuối tháng 9 vừa qua Ngân hàng Nhà nước mới chấp thuận cho Nam Á tăng vốn điều lệ lê 3.890 tỷ đồng.
ABBank thì dự kiến sau khi trả cổ tức 7,4% sẽ tiến hành nộp hồ sơ lên HOSE. Tháng 7 vừa qua, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đã hoàn tất nhưng cũng chưa có thông tin mới về thủ tục niêm yết trên sàn của ABBank. SeABank trong khi đó đặt ra thời hạn thoải mái hơn, sẽ lên sàn từ năm 2019-2020, ngân hàng dự kiến niêm yết trên HOSE thay vì UPCoM như kế hoạch đề ra trong năm 2018.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ, điển hình là Saigonbank cũng đã được cổ đông thông qua phương án lên sàn UPCoM vào cuối năm 2019 nhưng hiện tại cũng lỡ kế hoạch. VietCapital Bank đã được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp giấy chứng nhận đăng ký từ ngày 16/9 vừa qua với 317,1 triệu cổ phiếu đăng ký tương đương vốn điều lệ 3.171 tỷ đồng và mã chứng khoán BVB nhưng đến nay cũng chưa chính thức lên sàn.
Trong khi những ngân hàng trên dù lỡ hẹn nhưng cũng có nhắc tới lộ trình niêm yết thì một vài ngân hàng khác như SCB, PVcombank, VietABank,…chưa hề đề cập đến kế hoạch này trong năm 2019.
Việc chậm niêm yết đến từ nhiều lý do, trong đó lý do được các nhà băng đưa ra nhiều nhất là diễn biến thị trường ảm đạm, không thuận lợi để lên sàn. Trên thực tế, Techcombank và TPBank ngay sau khi niêm yết trên HOSE hồi giữa năm 2018 cho đến nay đều chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh, một phần do thị trường đi xuống.
Ngoài lý do khách quan trên, một số ngân hàng vì vấn đề nội bộ, một số khác thì muốn tìm được đối tác thích hợp trước khi niêm yết nhưng chưa đạt được thỏa thuận. Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia, những ngân hàng có thông tin tài chính như khả năng sinh lời thấp, nợ xấu cao, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ sẽ khó thu hút được nhà đầu tư, gây ảnh hưởng tới kế hoạch lên sàn.
DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: