Top

Kích thích giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Liên bộ chung tay

Cập nhật 30/04/2014 08:10

Một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có thể sẽ được tháo gỡ khi thông tư liên bộ về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai được ban hành.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có Tờ trình số 22/TTr – BXD gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2014 bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Theo ông Dũng, mặc dù các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã được Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt triển khai đã phát huy tác dụng bước đầu, nhưng kết quả giải ngân gói 30.000 tỷ đồng vẫn chưa khả quan.

Theo thống kê, tính đến ngày 15/4/2014, tổng số tiền các bên đã cam kết là 3.365,9 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.699,4 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 3.962 hộ với số tiền là 1.504 tỷ đồng (vay mua nhà ở xã hội là 2.297 hộ với số tiền là 711 tỷ đồng; vay để mua nhà ở thương mại là 1.665 hộ với  số tiền là 793 tỷ đồng). Các ngân hàng đã giải ngân cho 3.941 hộ (chiếm 99,5%) so với số hộ đã được cam kết, số tiền là 975,7 tỷ đồng (chiếm 65%) so với số tiền được cam kết.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, có 2 nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đạt thấp. Một là, dù từ tháng 1/2014, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm, nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân; hai là, thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.

Cùng với đó, tại một số địa phương, chính quyền còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục hành chính, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… dẫn đến số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội; dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Điều quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, các ngân hàng lo ngại về những rủi ro pháp lý và tài chính khi cho người có thu nhập trung bình và thấp vay mà tài sản đảm bảo là chính hợp đồng mua – bán căn hộ hình thành từ vốn vay. Về vấn đề này, ông Dũng cho biết, liên bộ  gồm: Ngân hàng Nhà nước – Xây dựng – Tư pháp – Tài nguyên & Môi trường đã soạn thảo xong Thông tư hướng dẫn để các ngân hàng có thể mạnh dạn hơn trong việc giải ngân.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, nhiều khả năng, Thông tư sẽ được ban hành sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 này.

Tờ trình số 22/TTr – BXD của Bộ Xây dựng cũng bổ sung một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm.

Mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá); các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở; các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị được vay để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 07/01/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ)…

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014 (trừ các các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; dự án cải tạo nhà chung cư cũ).

Tuy nhiên, về vấn đề này Bộ Xây dựng cũng để ngỏ quy định “trường hợp đặc biệt”, các địa phương phải báo cáo cụ thể với Bộ Xây dựng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán